‘Gặp Đạt Lai Lạt Ma là quyền của tôi’
Hàng trăm người đã tập hợp ở thủ đô Vienna của Áo hôm thứ Bảy ngày 26/5 để chào đón Đạt Lai Lạt Ma sau khi nước này đã phớt lờ cảnh báo của Trung Quốc rằng quan hệ giữa hai nước sẽ tổn hại nếu Áo vẫn tiếp đón nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng.
Mặc dù Trung Quốc đã gửi đi lời cảnh báo rất rõ ràng đến các lãnh đạo của Áo nhưng Thủ tướng nước này Werner Faymann nói ông có quyền quyết định gặp ai hay không. Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện đang có chuyến thăm kéo dài 11 ngày đến Áo cùng với ông Lobsang Sangay, Thủ tướng của chính phủ lưu vong của Tây Tạng.
Ngài đã phát biểu với những người chào đón tại quảng trường Các anh hùng tại thủ đô Vienna.
‘Ủng hộ nhân quyền’
“Tất cả những hứa hẹn (mà chính phủ Trung Quốc) đưa ra hồi năm 2008 lúc diễn ra Thế vận hội Bắc Kinh đều đổ vỡ. Người Tây Tạng trở thành sắc dân thiểu số trên chính mảnh đất của mình”, một thành viên của tổ chức Hãy cứu Tây Tạng có tên là Erika nói với hãng tin AFP.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gặp Thủ tướng Faymann hôm thứ Bảy ngày 26/5, một ngày sau khi ông phát biểu rằng ông sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc và kêu gọi quyền tự trị thật sự cho Tây Tạng.
Vị Thủ tướng thuộc Đảng Dân chủ Xã hội này đã bác bỏ các cảnh báo mà Bắc Kinh đưa ra trước đó thông qua Đại sứ của họ ở Vienna và được Bộ Ngoại giao Trung Quốc lặp lại hôm thứ Bảy 26/5.
“Tự tôi trả lời câu hỏi tôi gặp ai. Áo là một quốc gia luôn thể hiện sự ủng hộ đối với nhân quyền và chỉ có tôi mới có quyền quyết định lịch trình của mình”.
Thủ tướng Áo Werner Faymann
“Tự tôi trả lời câu hỏi tôi gặp ai”, ông nói, “Áo là một quốc gia luôn thể hiện sự ủng hộ đối với nhân quyền và chỉ có tôi mới có quyền quyết định lịch trình của mình”.
Mô tả cuộc gặp với Đức Đạt Lai Lạt Ma là ‘một dấu hiệu chính trị rõ ràng cho nhân quyền, bất bạo động và chống lại đàn áp’, Thủ tướng Faymann nói thêm rằng bản thân ông rất muốn gặp một ‘nhân vật nổi bật’ như thế.
Trong khi đó thì Trung Quốc đã lên án cuộc gặp này là hành động ‘can thiệp nghiêm trọng vào công việc nội bộ’ của họ và ‘làm tổn thương tình cảm của người dân Trung Quốc’, Tân Hoa Xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này là Hồng Lỗi hôm thứ Bảy.
Theo lời ông Hồng thì Đức Đạt Lai Lạt Ma là một ‘kẻ lưu vong chính trị từ lâu đã tham gia vào các hoạt động ly khai chống Trung Quốc nhân danh tôn giáo’.
Đại sứ Trung Quốc tại Viên là ông Thi Minh Đức hôm thứ Hai 21/5 đã đưa ra lời cảnh báo rằng Áo không nên tạo diễn đàn cho các ‘xu hướng ly khai’ của Đức Đạt Lai Lạt Ma và rằng việc này không có lợi cho quan hệ với Bắc Kinh.
“Người Tây Tạng trở thành sắc dân thiểu số trên chính mảnh đất của mình”.
Erika, một thành viên của tổ chức Hãy cứu Tây Tạng
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói với các nhà báo khi ông đặt chân đến Vienna hôm thứ Sáu 25/5 rằng ông muốn một giải pháp có lợi cho cả đôi bên Tây Tạng và Trung Quốc.
Thủ tướng chính phủ lưu vong của Tây Tạng Lobsang Sangay nhấn mạnh rằng Tây Tạng không muốn độc lập khỏi Trung Quốc nhưng vùng đất này muốn được tự trị thật sự trong khuôn khổ Hiếp pháp Trung Quốc.
Đức Đạt Lai Lạt Ma, vốn đã sống lưu vong ở Ấn Độ từ năm 1959, có một mối quan hệ lâu dài với Áo và đã đến thăm nước này thường xuyên. Lần gần đây nhất Ngài đến Áo là vào năm 2007.
Khi còn trẻ, Ngài đã học với một thầy giáo là vận động viên leo núi người Áo Heinrich Harrer ở Lhasa. Cuốn tiểu sử của ông này là nguồn cảm hứng cho bộ phim ‘Bảy năm ở Tây Tạng’ do tài tử Brad Pitt đóng chính.
Áo cũng phát hành một con tem đặc biệt để tôn vinh Đức Đạt Lai Lạt Ma.
No comments:
Post a Comment