Popular Posts

Sunday, May 27, 2012

Huyền thoại "nàng thơ T.T.Kh." chỉ là giả tạo

Huyền thoại "nàng thơ T.T.Kh." chỉ là giả tạo

 

Chỉ cần đọc một bài thơ “Hai Sắc Hoa Ti-Gôn”, tôi đã nghĩ rằng không thể một cô gái 17 tuổi vào thời xa xưa đó lại có thể sáng tác được bài thơ với ngôn từ khá già dặn như vậy. Người làm bài này phải là một thi nhân đã từng biết làm thơ trước đó. Và ngày nay, đúng là họa sĩ Nguyễn Tuấn Trình tức thi sĩ Thâm Tâm (tác giả bài Tống Biệt Hành) sáng tác bài thơ đó đề tên Trần Thị Khánh hay Thâm Tâm Khánh (T.T.Kh.) để che dấu nỗi đau nhục bị cô Khánh bỏ rơi.

 

Huyền thoại về “Nàng Thơ T.T.Kh.” chỉ là giả tạo.

 

- Nguyễn Thạch Kiên, thi nhân đấu tranh trong lãng mạn.

 

* Tạp ghi QUỐC NAM

 

Một buổi tối chớm đông, những sợi mưa tuyết giăng trắng khung trời Cao Nguyên Tình Xanh Washington, tôi lái xe từ đài phát thanh SRBS trở lại nhà. Tôi chợt nghe tiếng chị Nguyễn Thuý Phượng qua điện thoại "Bố tôi vừa mất sáng nay". Lập tức, nỗi buồn nghẹn lại trong tâm hồn tôi. Chị Phượng là trưởng nữ của nhà văn, nhà thơ, nhà báo lão thành Nguyễn Thạch Kiên. Hôm đó là ngày 13 tháng 12 năm 2008. Ông hưởng thọ 83 tuổi.

Mùa lễ Thanksgiving, tôi về San Diego viếng thăm Chị Cả tôi (năm nay 86 tuổi) đã đau yếu liệt giường. Như một linh tính nhiệm màu, tôi điện thoại thăm nhà văn Nguyễn Thạch Kiên, thì được chị Phượng cho biết ông đã nhập viện mấy ngày nay. Tôi tức tốc lái xe lên Quận Cam đến Garden Grove Hospital vào sáng thứ bảy ngày 30 tháng 11 năm 2008. Tôi gặp chị Thúy-Phượng và anh Long (phu quân của chị) tại phòng đợi. Anh chị hướng dẫn tôi lên phòng nhà văn nằm bệnh. Lúc đó, ông Nguyễn Thạch Kiên đã mê sảng rồi. Tuy vậy, khi chị Phượng nói tên tôi, thì nhà văn hé mở mắt và nói "Quốc Nam ở Seattle hả?". Tôi ghé sát tai ông và nói: "Vâng. Quốc Nam đến thăm anh đây. Luôn luôn Quốc Nam kính mến anh, và vẫn nhớ mãi những ngày đầu làm báo với anh khi Quốc Nam còn rất trẻ’. Nhà văn có vẻ cảm động, nhưng nói lan man điều gì đó mà tôi không nghe rõ.

 

Thi sĩ Quốc Nam chào vĩnh biệt Tác giả Nguyễn Thạch Kiên tại Garden Grove Hospotal cuối năm 2008. Hình từ trái qua phải: Bà Nguyễn Thúy Phượng, Cụ Nguyễn Thạch Kiên và ông Quốc Nam.

 

Trong cuộc đời cầm bút mưu sinh liên tục ngót nửa thế kỷ qua, tôi đã không có đàn anh hoặc đàn em văn nghệ. Tôi may mắn đứng vững được trên chính đôi chân của mình trong giới truyền thông báo chí và văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, tới khi ông Nguyễn Thạch Kiên bỏ tôi ra đi, thì tôi mới cảm nhận rằng: quãng đời sinh hoạt văn chương chữ nghĩa của tôi cũng có một đàn anh. Đó là nhà văn, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thạch Kiên.

Tôi mưu sinh bằng ngòi bút bắt đầu từ năm 1961, từ lúc nhà xuất bản Trần Văn Phương mướn tôi viết một số truyện nhi đồng hoặc giáo dục thiếu nhi. Tuổi trẻ tôi đã ngụp lặn trong thế giới thần tiên, với những nàng tiên, hoàng tử hoặc công chúa quý phái và xinh như mộng. Niên khóa 1962-1963 tôi học Lớp Đệ Nhất B3 trung học Chu Văn An với những bạn cùng lớp như Hoàng Duy Hiệu, Nguyễn Trọng Nhi, Lê Thiệp, Nguyễn Văn Thiệp, Phí Ích Bành, Nguyễn Vô Lượng, Phạm Trinh Huân v.v... Thì một vài bạn tôi rất ngạc nhiên khi biết tôi viết văn mà được trả nhuận bút để tiêu xài rỉ rả.

Đến đầu năm 1964, tôi đang học ở Đại Học Khoa Học & Luật Khoa, thì ông Giám Đốc nhà xuất bản Trần Văn Phương giới thiệu tôi với nhà văn Nguyễn Thạch Kiên (dạo đó là Chủ Nhiệm tuần san giáo dục Tinh Hoa), tòa soạn đặt tại nhà in Chấn Hưng đường Lê Văn Duyệt, đô thành Saigon. Nhà văn nhìn tôi đầy thiện cảm, và buột miệng nói: "Cậu nhỏ vậy mà lên Đại Học rồi hả?".

Tôi lễ phép trả lời: "Dạ, thưa anh. Quốc-Nam không còn nhỏ đâu. 19 tuổi rồi!"

Ông có vẻ thích thú, nói: "Vậy cậu phụ tôi làm báo Tinh Hoa nhé".

Thế là tôi trở thành người Thư Ký Tòa Soạn (có lẽ NHÍ nhất) của một tuần báo, giữa thời điểm mà nền báo chí tại Miền Nam Việt Nam chưa phát triển lắm.

Tôi làm công việc chọn lựa bài vở và thơ văn hàng tuần cho tuần san Tinh Hoa, trình lên cho Chủ Báo Nguyễn Thạch Kiên coi sơ qua, rồi mang xuống nhà in để mấy người thợ làm công việc sắp chữ. Thời đó, các thợ nhà in phải sắp từng con chữ vào những trang báo, rồi làm bản kẽm để đưa vào máy in.

Ở vai trò chọn bài vở cho tuần san Tinh Hoa, tôi được một số nữ sinh Sài-Gòn hoặc nữ sinh viên Văn Khoa o bế khá nhiều, để mong được có bài đăng trên báo.

Tháng 9 năm 1996, tôi đặt vé máy bay mời nhà văn nhà thơ Nguyễn Thạch Kiên lên Seattle để giới thiệu tác phẩm mới của ông nhan đề "Về Những Kỷ Niệm Quê Hương". Cố văn sĩ Huy Quang tức cựu Trung Tá Vũ Đức Vinh (nguyên Giám Đốc Đài phát thanh Saigon trước năm 1975), ông Trần Thế Khiêm (Cán Bộ cao cấp của Việt Nam Quốc Dân Đảng) và tôi đã ra tận cửa máy bay tại phi trường Sea-Tac để đón rước ông.

 

Tác giả Nguyễn Thạch Kiên tại phi trường Sea-Tac (Washington) năm 1996. Hình từ trái qua phải: Quý ông Trần Thế Khiêm, Nguyễn Thạch Kiên & Quốc Nam.

 

Buổi ra mắt sách của Tác giả Nguyễn Thạch Kiên được đồng hương tham dự đông đảo. Họ ngồi chật cứng nhà hàng Moonlight đường South Jackson, Seattle.

 

Đề tài nổi cộm trong cuốn sách là “Huyền thoại T.T.Kh.”. Sách dày 260 trang, với một nửa cuốn sách đề cập tới những chi tiết quanh các bài thơ ký tên T.T.Kh. rất lý thú. Một số tiểu mục được Tác Giả Nguyễn Thạch Kiên phân chia như sau: Huyền thoại về Nàng Thơ T.T.Kh., Dưới giàn hoa máu, Tống Biệt Hành, T.T.Kh. Nàng là ai?, Nguyên nhân nào khiến sống dậy huyền thoại T.T.Kh.?,  Nguyễn Vỹ viết về T.T.Kh., Thanh Châu nhận định về T.T.Kh., Truyện ngắn “Hoa Ti-gôn” năm 1937 của Thanh Châu, Trong lửa đạn thù...

 

Câu chuyện T.T.Kh. bắt đầu từ truyện ngắn “Dưới giàn hoa máu” của nhà văn Thanh Châu đăng trên báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy năm 1937 chủ trương bởi nhà xuất bản Tân Dân của ông Vũ Đình Long, nội dung căn cứ vào lời kể về mối tình giữa họa sĩ Nguyễn Tuấn Trình (tên thật của nhà thơ Thâm Tâm) và một thiếu nữ tên Khánh.

 

Theo một số nhân chứng sống biết rõ về “huyền thoại T.T.Kh.” (trong số này có văn sĩ Nguyễn Vỹ và Hồ Văn Thông, người bạn chiến đấu cạnh Thâm Tâm trong khu Kháng Chiến Việt Minh gần Thủ đô Hà Nội), chính nhà thơ Thâm Tâm Nguyễn Tuấn Trình đã thố lộ:

 

Sau truyện ngắn đó, Thâm Tâm đã sáng tác bài thơ “Hai Sắc Hoa Ti-Gôn” và nhờ cô em họ mang tới tòa báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy. Khi bài thơ này phổ biến thì dư luận rất thương cảm người thiếu nữ bất hạnh và muốn biết T.T.Kh. là ai? Trong thời điểm đó, tình trạng báo chí ở Hà Nội đang cạnh tranh gay gắt, nhất là giữa nhà xuất bản Tân Dân (Tiểu Thuyết Thứ Bảy) và Tự Lực Văn Đoàn (báo Ngày Nay do nhà văn Nhất Linh chủ trương). Bỗng dưng, người ta tìm cách tạo dựng huyền thoại T.T.Kh. để bán báo cho nhiều hơn các đồng nghiệp khác. Cũng từ đó, một số bài thơ tầm thuờng xuất hiện cũng ký tên T.T.Kh. Trong lần tâm sự riêng với Hồ Văn Thông ở chiến khu. Nhà thơ Thâm Tâm thú nhận rằng suốt từ năm 1937 đến 1939, chỉ có 3 bài thơ đề tên T.T.Kh. do chính ông sáng tác là: Hai sắc hoa ti-gôn, Bài thơ thứ nhất & Bài thơ cuối cùng.

 

Tâm sự với nhà văn Nguyễn Vỹ, Thâm Tâm kể rằng: Khoảng tháng 2 năm 1936, Tuấn Trình (họa sĩ cho báo Bắc Hà, tên thật của nhà thơ Thâm Tâm) 19 tuổi làm quen đuợc với cô Trần Thị Khánh 17 tuổi sắp thi bằng Tiểu Học. Khi cô viết thư gởi Thâm Tâm báo tin sắp lấy chồng, ông rất đau buồn nhưng cũng biết được rằng nàng không yêu ông nhiều như ông tưởng. Trong bài viết “Thâm Tâm và sự thật về T.T.Kh.”, cố văn sĩ/chủ báo Nguyễn Vỹ viết nguyên văn như sau:

 

“Chàng yêu nhớ đơn phương với mặc cảm của một nghệ sĩ nghèo bị nguời yêu bỏ rơi, lại còn bị mấy thắng bạn trẻ chế nhạo đùa bỡn, nhất là Vũ Trọng Can. Vì chút tự ái văn nghệ đối với mấy nguời kia, Tuấn Trình đã phải thức một đêm, theo lời anh, làm một bài thơ đề là HAI SẮC HOA TI GÔN ký T.T.Kh. với thâm ý để Trần Huyền Trân và Vũ Trọng Can tin là của Khánh làm, để thương tiếc mối tình tan vỡ. Muốn giữ tính cách bí mật, Tuấn Trình dán kín bao thư rồi nhờ cô em họ (con gái của người cô ở phố Cửa Nam) mang đến tòa báo. Cũng chính cô em họ đó đã chép giùm bài thơ với nét chữ con gái dịu dàng của cô, để khỏi bị nghi ngờ. Cô Khánh không biết làm thơ. Cô chưa bao giờ làm thơ cả! Và cô đã ghét những bài thơ của Thâm Tâm nữa là đằng khác. Tuấn Trình nói quả quyết với tôi như vậy, sau khi nhận đuợc một bức thư cuối cùng của Khánh, tỏ ý không bằng lòng anh mượn tên cô để làm thơ kể chuyện tình duyên cũ, có thể làm hại đến cuộc đời của cô”.

Tác giả Nguyễn Thạch Kiên là con nguời rất hiền hòa và rộng lượng. Trong tác phẩm “Về Những Kỷ Niệm Quê Hương”, ông đưa ra khá nhiều bằng chứng thuyết phục về “Huyền thoại T.T.Kh.” chỉ là giả tạo, nàng thơ T.T.Kh. không hề có thật trên đời! Tuy nhiên, đàn anh của chúng tôi vẫn rất dễ thương cho rằng “Huyền thoại, chỉ nên mãi mãi là huyền thoại”. Trong lãnh vực chính trị cũng vậy, ông Nguyễn Thạch Kiên đã hoạt dộng trong Việt Nam Quốc Dân Đảng hơn nửa thế kỷ qua, nhưng tinh thần đấu tranh trong tim óc ông luôn luôn đượm màu lãng mạn. Thế nhưng tôi rất yêu qúy ông, bởi chính tôi từng là đảng viên kỳ cựu của Đại Việt Cách Mạng Đảng và tinh thần cách mạng trong tôi cũng đượm màu lãng mạn như ông. Nói tóm lại, ông Nguyễn Thạch Kiên và tôi đều từng hoạt động chính trị một cách vương đạo, không thể bá đạo và dã man như bọn Việt Cộng đuợc.

Do đó, khi kết luận tác phẩm “Về Những Kỷ Niệm Quê Hương”, nhà văn của chúng ta viết như sau:

 

“Chúng tôi quan niệm huyền thoại hẳn phải là một cái gì đó rất đẹp, rất lý tưởng, và không sao với tới được. Phải, nó làm phong phú trí tưởng con người. Phanh phui, phân tích, tìm hiểu từng chi tiết, khác nào ta bóc trần một cổ vật hằng trân quý. Một người khác phái ta say mê mà không sao được kề cận, vẫn mãi mãi là một ám ảnh, làm suốt đời ta thèm day dứt, tôn thờ. Chuyện tình T.T.Kh. với mấy bài thơ oan trái xuất hiện từ năm 1937, đã trở thành huyền thoại sử thi, góp phần không nhỏ vào sự hình thành nền thơ mới của một thời đại cần đổi mới thơ văn là một thí dụ”.

 

Đây là lần đầu tiên tôi không đồng ý với Tác giả Nguyễn Thạch Kiên. Câu chuyện mấy bài thơ ký tên T.T.Kh. đã trải qua hơn 70 năm qua, thế mà vẫn có nhiều người tin rằng có một thiếu nữ đã làm mấy bài thơ ai oán như vậy. Tôi đã vào nghề cầm bút gần nửa thế kỷ qua, nên biết rất rõ khá nhiều người đàn ông làm báo đã núp dưới tên phụ nữ để giải đáp tâm tình hoặc phụ trách mục thơ văn nào đó. Trường hợp báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy ở Hà Nội cuối thập niên 1930 đã “câu” độc giả bằng huyền thoại nàng T.T.Kh. cũng là chuyện thuờng tình xảy ra trong làng báo Việt Nam xưa và nay.

 

Ngay từ năm 1961, khi bắt đầu mưu sinh bằng ngòi bút, tôi đã thắc mắc về “người thơ T.T.Kh.”. Chỉ cần đọc một bài thơ “Hai Sắc Hoa Ti-Gôn”, tôi đã nghĩ rằng không thể một cô gái 17 tuổi vào thời xa xưa đó lại có thể sáng tác được 1 bài thơ với ngôn từ khá già dặn như vậy. Người làm bài này phải là một thi nhân đã từng biết làm thơ trước đó.

 

Nếu người nào suy nghĩ sâu một chút và phân tích từng chữ nơi các câu thơ trong 3 bài thơ đề tên T.T.Kh. nêu trên, sẽ nhận thấy được dòng thơ đó không thể sáng tác bởi một cô gái chưa đậu Tiểu Học ở thời điểm xa xưa ấy. Xin mời quý vị đọc vài đoạn thơ sau đây coi sao:

 

- Từ đấy, thu rồi thu lại thu,

Lòng tôi còn giá đến bao giờ?

Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ

“Người ấy”... Cho nên vẫn hững hờ...

- Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời,

Ái ân lạnh lẽo của chồng tôi.

Và từng thu chết từng thu chết,

Vẫn giấu trong tim bóng một người...

- Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng,

Trời ơi! Người ấy có buồn không?

Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ,

Tựa trái tim phai, tựa máu hồng?

 

Hoặc chữ “HỪ” rất ít người con gái xử dụng trong thơ văn, ở “Bài Thơ Cuối Cùng” đề tên T.T.Kh., nguyên văn như sau:

 

Từ đây anh hãy bán thơ anh,

Còn để riêng tôi với một mình.

Những cánh hoa lòng... Hừ, đã ghét,

Thì đem mà đổi lấy hư vinh.

 

Và ngày nay, đúng là họa sĩ Nguyễn Tuấn Trình tức thi sĩ Thâm Tâm (tác giả bài Tống Biệt Hành) sáng tác mấy bài thơ đó đề tên Trần Thị Khánh hay Thâm Tâm Khánh (T.T.Kh.) để che dấu nỗi đau nhục bị cô Khánh bỏ rơi.

Bây giờ thì đàn anh văn nghệ của tôi, Tác giả Nguyễn Thạch Kiên đã về miền vĩnh cửu. Tôi xin cám ơn ông đã lưu lại cho hậu thế một số tài liệu văn học cần thiết, để những nguời tìm hiểu nền văn học nghệ thuật Việt Nam được biết rằng “Huyền thoại T.T.Kh” chỉ là một trò chơi chữ nghĩa bởi một số người cầm bút dối gian hoặc thiếu vương đạo!

                                                       ***

Ngày 19 tháng 12 năm 2008, tôi về thăm bằng hữu tại Thung Lũng Hoa Vàng (San Jose, Bắc California). Buổi tối đó, tôi được một số Thân Hữu đãi một bữa cơm thân mật, tại nhà hàng Cao Nguyên (đối diện khu thương mại Lion Plaza). Tôi thật sự xúc động gặp gỡ một số nhân vật tên tuổi trong bàn tiệc, gồm: quý thi sĩ Hà Thượng Nhân, Trường Giang (thi văn đoàn Bốn Phương), Đông Anh Nguyễn Đình Tạo & Chinh Nguyên (Cơ Sở Văn Thơ Lạc Việt); quý nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm, Phạm Mạnh Đạt; cựu Đại Tá Lương Văn Ngọ (Trung Tâm Trưởng Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Vùng Tây Bắc Hoa Kỳ); nhà báo Duy Văn (chủ nhiệm tuần báo Đời Mới); giáo sư Nguyễn Hùng Tâm (Thứ Nam của cố chủ nhân nhà sách Khai Trí, Saigon ngày cũ).

 

Một số văn nghệ sĩ hội ngộ tại Thung Lũng Hoa Vàng trung tuần tháng 12/2008. Hình từ trái qua phải: (Ngồi) Quý cụ Trường Giang, Hà Thượng Nhân & Vũ Đức Nghiêm; (Đứng) Quý ông Chinh Nguyên, Phạm Mạnh Đạt, Nguyễn Hùng Tâm, Duy Văn, Quốc Nam, Lương Văn Ngọ & Đông Anh.

 

Sáng hôm sau, ngày 20/12, tôi dùng điểm tâm với nhà văn nhà thơ Hồ Linh, nhà báo lão thành Sao Biển, nhà thơ Hoàng Ngọc Văn và nhà hoạt động cộng đồng Nguyễn Hữu Lộc (Trưởng Ban Sáng Lập Đại Hội Hoa Hậu Áo Dài Long Beach, CA).

 

Hầu hết quý vị nêu trên đều sẵn lòng hỗ trợ Đông-Phương Foundation sẽ tổ chức một chương trình thơ nhạc đặc biệt tại miền Bắc California, để đánh dấu “30 năm Thung Lũng Hoa Vàng” (nhất là Cơ Sở Văn Thơ Lạc Việt và Hội Từ Thiện Sóng Tình Thương của ông Nguyễn Hữu Lộc). Bởi tôi là người đã tình cờ gọi mỹ danh “Thung Lũng Hoa Vàng” cho thành phố San Jose (Silicon Valley) từ năm 1979.

 

Tưởng nên nhắc lại, trong bài Tạp Ghi Cuối Năm 2008, tôi nhắc tới 9 nhân vật thân thiết tôi đã khuất bóng trong 1 thập niên qua. Thực ra, nếu chính xác, thì 11 nhân vật văn hóa hoặc chính trị quen thân Quốc-Nam đã bỏ tôi ra đi trong thời gian qua, gồm: quý thi sĩ Nguyên Sa Trần Bích Lan, Hoàng Anh Tuấn, Duy Năng, Phan Lạc Giang Đông, Phương Triều; quý nhạc sĩ Anh Việt Trần Văn Trọng, Nguyễn Hiền; nhà cách mạng Hà Thúc Ký (Đại Việt Cách Mạng Đảng); học giả/giáo sư Vũ Ký; họa sĩ Choé Nguyễn Hải Chí; nhà văn/nhà thơ Nguyễn Thạch Kiên.

 

Nhóm Đông-Phương chúng tôi trang trọng tạ ơn quý Ngài, và nguyện cầu Ơn Trên ban cho quý Ngài được thảnh thơi trên cõi vĩnh hằng. Bởi chính quý Ngài đã khích lệ và tặng tôi một mớ hành trang lên đường, tiếp tay làm rạng danh nền văn hóa Việt-Tộc đối với năm châu bốn biển.

 

Kính xin Ơn Trên phù hộ chúng ta và cho ngôn ngữ Việt bất diệt trong bất cứ nghịch cảnh nào.

 

QUỐC NAM

(Tháng 2/2009)

 

 

6 comments:

  1. Cám ơn hỉ ...Giờ mới dám sang lấy nì !

    ReplyDelete
  2. Đủ mọi huyền thoại, nghỉ sao thì tùy mình.

    ReplyDelete
  3. Thì đấy.. có những huyền thoại bị gạt cả đời vẫn chưa biết...như là Huyền thoại HCM...bị csvn gạt cả một dân tộc.

    ReplyDelete
  4. Cái này thì sớm muộn sẽ được đưa ra ánh sáng thôi.
    Thời gian đã cận kề.

    ReplyDelete

Featured Post

🔥Lisa Pham Khai Dân Trí Ngày- 10/5/2021

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List