HOA KỲ - Bài đăng : Thứ ba 22 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 22 Tháng Năm 2012
Thượng viện Mỹ xem xét khả năng phê chuẩn Công ước về Luật Biển
Nhiều nước đang tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.
Nguồn:wikipedia
Trọng Nghĩa RFI
Sau gần 30 năm làm ngơ, ngày 23/05/2012, Thượng viện Hoa Kỳ, định chế quyết định trong vấn đề phê chuẩn các hiệp định của nước Mỹ, sẽ bắt đầu xem xét việc phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 dưới góc độ an ninh và chiến lược. Tiến trình xem xét được mở đầu bằng một phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ở Washington DC.
Cuộc điều trần - do Thượng Nghị Sĩ John Kerry, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện chủ trì - sẽ nghe tham luận của bà Hillary Clinton, Ngoại trưởng, ông Leon Panetta, Bộ trưởng Quốc phòng, và Tướng Martin Dempsey, Tổng Tham mưu trưởng Liên quân.
Sự kiện Thượng viện Hoa Kỳ xem xét khả năng phê chuẩn Công Ước về Luật Biển là một thay đổi quan trọng trong đường lối của Hoa Kỳ vốn đã tẩy chay văn kiện ra đời từ năm 1982, đã được 162 quốc gia phê chuẩn, và bắt đầu có hiệu lực từ năm 1994.
Quan điểm trước đây của Mỹ là không phê chuẩn Công ước này, vì cường quốc kinh tế và hải quân số một thế giới muốn được quyền tự do khai thác lòng biển, cũng như tung hoành trên đại dương mà không bị ràng buộc.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, khi quyết định dấn thân sâu hơn vào vùng Châu Á trước đà vươn lên mạnh mẽ về mặt quân sự của Trung Quốc, chính quyền Hoa Kỳ đã thấy rằng cần phải gia nhập công ước này để có thêm tiếng nói. Ngoại trưởng Clinton đã tuyên bố rằng thúc đẩy việc phê chuẩn UNCLOS là một trong những ưu tiên của bà tại Bộ Ngoại giao. Đó cũng là quan điểm của Tổng thống Obama.
Quân đội Mỹ cũng cần có một cơ sở pháp lý để khỏi phải nhức đầu với các quốc gia hàng hải đã tự đòi hỏi chủ quyền trên các vùng biển, và đặt ra những quy định riêng biệt, hạn chế quyền tự do hàng hải. Công ước Liên Hiệp Quốc sẽ cho phép các nước giải quyết tranh chấp lãnh thổ một cách hòa bình mà không cần đến sự can thiệp của quân đội Mỹ.
No comments:
Post a Comment