Nhận Định Về Một Số Tình Hình Hiện Nay
(04/07/2012) (Xem: 2998)
Tác giả : GM. Phao lô Nguyễn Thái Hợp, UBCL va HB
GM. Phao lô Nguyễn Thái Hợp, UBCL va HB
LTS: Bài Nhận Định dưới đây được biết là từ Hội Đồng Giám Mục VN (Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình), và đăng trên Mục Vụ/Thụy Sĩ. Việt Báo trân trọng cảm ơn GS Nguyễn Đăng Trúc đã chuyển tới để chia sẻ.
Chủ trương đổi mới đã giúp Việt Nam hòa nhập vào dòng chảy chung của nhân loại và đưa đất nước từ một nền kinh tế bị phá sản đến một trong những nước có tăng trưởng kinh tế cao nhất châu Á. Tiến trình hội nhập được cụ thể hóa qua việc trở nên thành viên của khối ASEAN, tham gia APEC, gia nhập WTO. Việt Nam cũng đã thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia, tham gia vào nhiều tổ chức quốc tế và thu hút đầu tư của nhiều tập đoàn nước ngoài. Xã hội ngày càng trở nên năng động, sáng tạo và giàu có hơn. Nhưng tình hình gần đây cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang mất định hướng bởi vì đổi mới kinh tế không song hành đổi mới chính trị, cũng như tăng trưởng kinh tế không nối kết với phát triển xã hội và con người toàn diện. Chính vì vậy, chưa có X tính bền vững và nhân bản.
Thư chung hậu Đại hội Dân Chúa năm 2010 mời gọi tất cả các thành viên của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam cố gắng nhận diện và phân định “hiện trạng xã hội Việt Nam dưới ánh sáng đức tin”. Chính trong viễn tượng đó, Ủy ban Công lý và Hòa bình thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam muốn bày tỏ một vài thao thức, suy nghĩ và nhận định về tình hình Đất nước, vừa với tư cách công dân, vừa với tư cách Kitô hữu.
1. Nền kinh tế Việt Nam
Sau mấy thập niên đạt được tăng trưởng kinh tế cao và được ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp nhất, tình trạng mấy năm gần đây cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang bộc lộ những nguy cơ nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân và tương lai của đất nước. Biểu hiện rõ rệt nhất là quản lý kinh tế yếu kém, hệ thống ngân hàng bị rối loạn, các tập đoàn Nhà nước bị thua lỗ, lạm phát tăng cao, lòng tin của người dân vào đồng nội tệ bị xói mòn, chênh lệch giàu nghèo nới rộng, chất lượng cuộc sống của đại đa số dân chúng giảm sút, nhiều người rơi trở lại tình trạng nghèo trước đây.
Định hướng lấy kinh tế quốc doanh làm chủ đạo đã tạo ra sự lạm quyền và làm méo mó sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Doanh nghiệp nhà nước đóng góp ít vào tăng trưởng kinh tế nhưng lại nhận nhiều đặc quyền đặc lợi, gây bất công và kìm hãm sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân. Nợ nước ngoài và thâm thủng mậu dịch đã và đang gia tăng, khiến nền kinh tế bị suy yếu và lệ thuộc. Lạm phát gia tăng cũng làm tăng đói nghèo, gây khó khăn hơn cho cuộc sống của người dân và cả các doanh nghiệp. Đình công tiếp tục tăng cao chứng tỏ quyền lợi của công nhân chưa được bảo vệ thỏa đáng. Một số chủ trương không hợp lòng dân mà vẫn được nhà nước tiến hành như vụ khai thác bauxite Tây Nguyên hoặc dự án xây nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Ninh Thuận, v.v… Luật đất đai, vừa đi ngược với kinh tế thị trường, vừa không tôn trọng tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và vừa là nguyên nhân khoảng 80% các vụ khiếu kiện trong nước, thế mà vẫn tiếp tục hiện hữu.
2- Môi trường xã hội
Xã hội Việt Nam đang bộc lộ nhiều hiện tượng rất đáng quan ngại, mà nổi bật nhất vẫn là hai tật xấu được Hội đồng Giám mục Việt Nam cảnh báo từ năm 2008, đó là gian dối và bạo lực. Chúng không những phô bày nơi đường phố, trên thương trường và các phương tiện thông tin đại chúng, mà còn xâm nhập vào công sở và học đường.
Bên cạnh những tệ nạn xã hội là những khuynh hướng sống hưởng thụ, chụp giựt, coi trọng đồng tiền, vô cảm trước nỗi đau của người khác hoặc sự gian dối của xã hội… Những điều này chứng tỏ tình trạng thiếu vắng các giá trị đạo đức nền tảng làm chuẩn mực cho đời sống xã hội, nên có người đã cảnh báo về một xã hội lệch chuẩn hay phi chuẩn.
Tham nhũng được nhìn nhận là đại họa của quốc gia, ngày càng tinh vi và nghiêm trọng nhưng cho đến nay chưa một vụ án nào xứng tầm với đại họa được đưa ra xét xử để răn đe, làm giảm sút niềm tin của người dân nơi công quyền.
Các vụ khiếu kiện, chủ yếu liên quan đến đất đai, trong đó có đất tôn giáo, vẫn tiếp diễn phức tạp và ngày càng trầm trọng, gây bất an và căng thẳng xã hội. Vụ việc ở Tiên Lãng, Hải Phòng, là một cảnh báo đặc biệt, buộc Nhà nước phải nhìn lại cách giải quyết vấn đề, mà cốt yếu là sửa đổi luật đất đai, nhìn nhận quyền tư hữu chính đáng của công dân, thay đổi lề lối làm việc cửa quyền và thiếu chuyên môn của cán bộ.
Biểu hiện rõ rệt nhất ở sự áp đặt của nhà nước về quan điểm và cách sống trong xã hội, đó là sự phân biệt đối xử trong chính sách công giữa người trong và ngoài đảng cầm quyền, giữa những cá nhân làm việc cho nhà nước với các doanh nhân và người lao động tự do, giữa người dân thành thị và người nhập cư ngoại tỉnh.
3- Lãnh vực pháp luật
Hiến pháp và pháp luật mỗi quốc gia tuy có tính đặc thù và cá biệt theo truyền thống văn hóa dân tộc mình, nhưng cũng phải hướng đến những chuẩn mực tối thiểu của pháp luật ở những quốc gia văn minh. Việt Nam có một hệ thống pháp luật đồ sộ nhưng không hiệu quả từ lập pháp sang đến hành pháp, vì thiếu sự công khai, minh bạch, và nhất là thiếu sự độc lập về tư pháp.
Việc áp dụng luật pháp không nghiêm minh và tùy tiện, nhất là ở cấp địa phương, đã dẫn đến những oan sai và đôi khi đẩy người dân đến bước đường cùng. Bộ luật tố tụng hình sự quy định các thủ tục bắt người; vậy mà trong một số trường hợp, vẫn có các công dân bị bắt sai, trái với các quy định của bộ luật ấy, cũng như với các tuyên ngôn và công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Việc giam giữ người không qua xét xử che đậy dưới từ ngữ “đưa vào cơ sở giáo dục” có thời hạn và áp dụng cho những người bày tỏ sự bất đồng chính kiến là một sự vi phạm vào quyền cơ bản con người. Việc “giáo dục” này thực ra là một biện pháp mà thực dân Pháp sử dụng ở nước ta, sau đó được lập lại bằng Nghị quyết 49/NQ-TVQH ngày 20/6/1961 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đã là cơ sở pháp lý cho việc tập trung cải tạo các công chức và quân nhân chính quyền Miền Nam cũ. Sau này có một sự chuyển biến tốt đẹp về biện pháp này khi Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ban hành năm 1989 không sử dụng nó nữa; tuy nhiên đến Pháp lệnh năm 1995 nó được tái lập dưới cái tên hiện nay và được Pháp lệnh năm 2002 nối tiếp. Hy vọng trong lần ban hành tới về xử lý vi phạm hành chính, kiểu giáo dục ấy sẽ được bãi bỏ; ít ra là đối với những người bất đồng chính kiến.
Sửa đổi hiến pháp và hoàn thiện pháp luật cho phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời khắc phục những yếu kém trong cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước để đảm bảo các quyền của công dân, thúc đẩy xã hội phát triển dân chủ và bền vững là điều cấp bách.
4- Biên cương, hải đảo và chủ quyền quốc gia
Vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, Biển Đông đã một vài lần nổi sóng, nhưng trong những năm gần đây sự căng thẳng đã lên đến mức độ nguy hiểm. Nhà cầm quyền Trung Quốc một mặt dùng lời lẽ hoa mỹ, với thông điệp rất êm tai như “sơn thủy tương liên, văn hóa tương thông, lý tưởng tương đồng, vận mệnh tương quan”; nhưng mặt khác, các hành động của Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông ngày càng quyết đoán, nếu không muốn nói là ngang ngược, phản ánh rõ rệt chủ trương Đại Hán của họ.
Trong khi đó, phản ứng ở tầm Nhà nước lại quá yếu, tạo cớ cho lực lượng thù nghịch lấn tới. Khó hiểu hơn nữa là việc chính quyền đã mạnh tay ngăn chặn các tổ chức, cá nhân yêu nước phản đối hành động xâm lược trắng trợn của Trung Quốc. Thái độ lập lờ, thiếu nhất quán trước đây của lãnh đạo nhà nước trong vấn đề phân định lãnh thổ vùng biên giới và bảo vệ chủ quyền ở biển Đông đang gây bất bình trong dư luận.
Đó là chưa kể việc các nhà trí thức tâm huyết đã phải lên tiếng về những nguy cơ về an ninh quốc gia từ một số dự án kinh tế như khai thác bô xít và cho thuê đất, thuê rừng. Trong khi đó, các thông tin về lãnh vực này không đầy đủ, thiếu kịp thời và công khai. Điều trước mắt đã xảy ra là việc lao động nước ngoài, đa số là từ Trung Quốc, ồ ạt vào Việt Nam để thực hiện các dự án trên đã gây bất ổn cho xã hội hiện tại và về lâu về dài.
5. Môi trường sinh thái
Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, Việt Nam sẽ là một trong những nước phải gánh chịu hậu quả nghiệt ngã của biến đổi khí hậu. Nguyên nhân một phần do tác động của biến đối khí hậu toàn cầu, nhưng một phần khác do con người trực tiếp gây ra. Môi trường bị phá hủy trầm trọng do hiện tượng tàn phá rừng, các công trình thủy điện, khai thác tài nguyên bừa bãi, nước thải độc hại và khói từ các khu công nghiệp…
Điều đáng quan ngại hơn là những năm gần đây Nhà nước đã cho nước ngoài đầu tư nhiều dự án có nguy cơ hủy hoại môi trường, thay đổi hệ sinh thái và làm biến đổi khí hậu: Khai thác bauxite tại Tây nguyên, cho thuê rất nhiều khu rừng đầu nguồn thuộc 18 tỉnh từ Bắc chí Nam, rất nhiều tỉnh đã khoanh biển và bờ biển cho các công ty ngoại quốc thuê để xây khách sạn, lập bãi tắm hoặc các dự án khác, mà không quan tâm đến môi trường sinh thái.
6. Vai trò của Trí thức
Gần 1000 năm trước, cùng với việc thành lập Quốc Tử Giám, tổ tiên chúng ta đã nhận thức sâu sắc rằng: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì nước yếu mà thấp hèn” (Bia Văn Miếu). Điều này vẫn luôn đúng và càng đúng hơn cho ngày nay, được gọi là kỷ nguyên chất xám, thời đại của kinh tế tri thức. Bỏ ra ngoài hiện tượng gia tăng đột biến số lượng các tiến sĩ mà chất lượng còn đáng nghi ngại, Việt Nam có khá nhiều hiền tài đích thực, những trí thức thực tài và tâm huyết với nước, với dân. Chỉ tiếc rằng vai trò của trí thức chưa được coi trọng đủ, có khi còn bị gạt ra bên lề hoặc bị kỳ thị, mà nguyên nhân, trong nhiều trường hợp, chỉ là do sự khác biệt về quan điểm đánh giá hiện thực xã hội hoặc về tầm nhìn tương lai của Dân tộc. Phải chăng cơ chế Nhà nước bất cập và chưa mở rộng để thu hút người tài và cũng chưa cải tổ cho phù hợp với đòi hỏi của xã hội?
7. Giáo dục
Tương lai của Dân tộc tùy thuộc phần lớn vào giáo dục. Không thể phủ nhận rằng nền giáo dục quốc gia đã sản sinh nhiều nhân tài và góp phần vào việc phát triển Đất nước. Nhưng nhìn chung, trong mấy thập niên qua, nền giáo dục của chúng ta có nhiều bất cập về nội dung, phương pháp dạy và học, thi cử, quản lý giáo dục. Quan trọng nhất là thiếu vắng một triết lý giáo dục mang tính nền tảng và chiến lược lâu dài. Cũng đã có những nỗ lực “cải cách giáo dục” nhưng không đi đến những đột phá thực chất, bởi vì chỉ dừng lại ở hình thức hay tiểu tiết, chứ chưa đi vào nội dung.
Hậu quả thê thảm của thực trạng trên là các tệ nạn khủng khiếp xảy ra trong học đường: Gian dối trong thi cử là điều bình thường, bằng cấp giả hay nguy hiểm hơn nữa, bằng cấp thật mà kiến thức giả. Bạo lực học đường ngày càng gia tăng, học sinh sinh viên thiếu các chuẩn mực đạo đức, vì thế tội phạm ở tuổi học đường ngày càng nhiều và nghiêm trọng hơn.
Một vài lần chúng tôi đã nêu thắc mắc: Tại sao Nhà nước khuyến khích người Việt định cư ở nước ngoài, cũng như các tổ chức và cá nhân nước ngoài đầu tư cho giáo dục, thế mà lại không cho phép các tôn giáo trong nước được tham gia trực tiếp vào giáo dục? Kết cục, rất nhiều nhà tu hành công dân Việt Nam có chuyên môn về giáo dục lại không thể đóng góp tim – óc của mình cho giới trẻ Việt Nam!
8. Lãnh vực tôn giáo
Qui định pháp luật liên quan đến các tôn giáo vẫn còn nhiều bất cập và chưa đáp ứng được nguyện vọng của các tín đồ, cụ thể nhất là về tư cách pháp nhân của các tôn giáo và các tổ chức tôn giáo. Điểm mấu chốt hiện nay là các tôn giáo đã được nhìn nhận nhưng lại không có tư cách pháp nhân nên đã không thể thực thi và bảo vệ các quyền hiến định của mình, như các tổ chức xã hội và nghề nghiệp khác.
Hiện nay, Nhà nước đang dự tính ban hành một Nghị định “Quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo”, thay thế Nghị định số 22/2005/NĐ – CP ngày 01-03-2005. Thật đáng hoan nghênh nếu văn bản này được sọan thảo trên tinh thần đổi mới, thực sự cầu thị và theo mục đích tạo thuận lợi hơn nữa cho tín đồ các tôn giáo được tự do hoạt động và góp phần vào việc phục vụ đồng bào, xây dựng xã hội dân chủ, tự do, bình đẳng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếc thay, sự thật lại ngược lại vì văn bản này là một bước thụt lùi, so với Nghị định nêu trên, vốn chưa phải là một văn bản hoàn hảo! Điều này, chẳng những đi ngược lại mong muốn của tín đồ tôn giáo mà còn đi ngược lại xu thế đổi mới và hòa nhập của Đất nước.
Những nhận định trên đây phát xuất từ niềm tin Kitô giáo và trách nhiệm công dân với ước nguyện góp phần bé nhỏ của mình vào công cuộc xây dựng một đất nước phát triển vững bền, dân chủ và nhân ái. Trong vấn đề này, huấn từ của Đức Giáo hoàng Benedictô XVI, ngày 27-06-2009, với các Giám mục Việt Nam vẫn là định hướng căn bản của Ủy ban Công lý và Hòa bình: “Giáo Hội không hề muốn thay thế Chính quyền, nhưng chỉ mong rằng trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng nhau, Giáo Hội có thể góp phần mình vào đời sống của đất nước, nhằm phục vụ tất cả mọi người dân”.
GM. Phao lô Nguyễn Thái Hợp, UBCL va HB
(Trích Mục Vụ /Thụy Sĩ) – Năm thứ 31 – số 305 – Tháng 4.2012, trang 45 - 50)
No comments:
Post a Comment