Thời điểm Tư bản Đỏ giãy chết
GS. Nguyễn Hữu Chi (Danlambao) - Ai cũng biết một chế độ theo đuổi chính sách “hèn với giặc, ác với dân” không thể tồn tại lâu dài được. Đến lúc này, nhiều người Việt Nam -- ở trong nước cũng như ở hải ngoại -- mới bắt đầu thực sự suy tư về vấn đề tiêu diệt nhóm cường hào ác bá đang lũng đoạn đất nước chúng ta. Tuy nhiên, theo lời Mao Trạch Đông, lật đổ một chế độ chính trị không phải dễ dàng như “một bữa tiệc trà”. Vì thế, tôi xin đưa ra vài vấn đề để chúng ta cùng nhau cứu xét một cách thực tiễn, hơn là ngồi mơ mộng (wishful thinking) trong lúc trà dư tửu hậu. Đó là những câu hỏi quan trọng liên quan mật thiết với nhau. Thí dụ như:
Khi nào chế độ tư bản đỏ mới tới lúc giãy chết? Chết theo kiểu nào? Bùng cháy trong máu lửa (trường hợp Libya), hay lặng lẽ thở dài hơi thở cuối cùng như cái pháo tịt ngòi (trường hợp Liên Sô)?
Thành phần nào sẽ tham dự vào công cuộc cách mạng này? Một cuộc cách mạng toàn dân (mass uprising), hay một cuộc “đảo chính phòng the” (palace coup)?
Số phận các lãnh tụ bị truất phế sẽ ra sao? Bình thản cuốn chiếu ra đi, như tên độc tài xứ Tunisia? Hay phải chết nhục nhã trong ống cống, như tên độc tài xứ Libya. Hay bị giam vào cũi đưa ra tòa nhận tội như một con hùm xám (tên độc tài xứ Egypt bị nhốt trong cũi sắt trong khi ngồi nghe công tố viện luận tội trước tòa).
Thời điểm Tư bản Đỏ giãy chết
Một điều chúng ta thường ngộ nhận về vai trò giai cấp bần cùng trong các công cuộc cách mạng. Chúng ta tưởng rằng người bị bóc lột sẽ vùng lên “đập tan xiềng xích” và tiêu diệt những tên bóc lột. Trên thực tế, trong lịch sử nhân loại, từ cổ tới kim, không bao giờ chuyện đó xảy ra. Như các cụ đã nói, “bần cùng sinh đạo tặc” - tức là cùng lắm thì đi ăn trộm, ăn cướp để sống vất vưởng qua ngày đoạn tháng, chứ không dám “vùng lên” như mấy tên lý thuyết gia tuyên truyền đã từng chơi trò rẻ tiền kiểu mị dân.
Thật vậy, trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, dân quê miền Bắc chết đói đầy đường (10% dân số lâm trong cảnh khốn cùng này), thế mà dân ta đâu có nổi lên cướp kho lúa, kho gạo của phú nông hay của quân đội Nhật. Lúc nạn đói chấm dứt, Hồ Chí Minh về nước xúi dục dân ta vùng lên làm cách mạng. Thành phần nghe “Bác” chính là dân trung lưu sống sung túc trong các thành phố -- trong khi đó dân quê vẫn thản nhiên sống trong cảnh bần cùng đói kém. Đến thời kỳ Cải Cách Ruộng Đất, lúc ban đầu dân bần cố nông không đói lắm, nên không có phản ứng mặn mà. Nhưng khi nghe lời khuyến khích của cán bộ CCRĐ “đồng bào nên đi cướp của nhà giàu”, dân bần cố nông mới tỉnh ngộ, và tự hỏi “tại sao không?”. Bên cạnh đó cũng dưới sức ép và tuyên truyền của chiến lược khủng bố CCRĐ bao trùm cả miền Bắc, họ đã nổi lên cướp của cải các phú nông. Nói tóm lại, chương trình CCRĐ “thành công” nhờ tâm lý “bần cùng sinh đạo tặc”. Tinh thần “đạo tặc” được phổ biến bắt đầu từ đó. Bây giờ dân ta bị “đạo tặc” cướp bóc thì cũng dễ hiểu.
Nói tóm lại, các phong trào cách mạng chống Đế Quốc Pháp đều khởi xướng từ giai cấp trung lưu,
nhất là thành phần trí thức sinh sống trong các thành phố lớn. Thành phần này hàng ngày va chạm với công chức Pháp được gửi sang Đông Dương để mang “ánh sáng văn minh” cho dân An-Nam ngu tối. Được dịp so sánh tận mắt giữa “ông Tây, bà Đầm” và dân “Mít” nghèo đói, ai mà không muốn đánh đuổi “ông Tây bà Đầm” đi, để lãnh đạo đất nước, và nhất là có dịp sống phè phỡn như “ông Tây, Bà Đầm”. Nhưng trong thực tế, có đánh đuổi tụi nó đi được không, lại phải nhờ vào sức mạnh của quần chúng mà số đông ở Việt Nam là dân “chân lấm, tay bùn”.
Thời sau 1975 cũng vậy. Khi lực lượng đi "giải phóng" kéo vào Sài Gòn mới thấy “tụi ngụy” sống sung sướng như “ông Tây, bà Đầm”. Các đồng chí từ rừng về, nên ghen ăn và giận lắm. Đảng ta bèn đưa ra “chính sách bần cố nông”, tức là vừa cướp của, vừa “nông thôn hóa” (tức là “nhà quê hóa”) các thành phố miền Nam. Cảnh tượng nuôi lợn trong gầm cầu thang, nuôi cá sống trong bồn tắm, trồng rau khoai ngoài vườn hoa, v.v.. là cảnh “chân lấm tay bùn”, chứ đâu có gì là lạ.
Tuy nhiên, sau một thời gian tiếp xúc với tụi “tư bản giãy chết”, các quan lãnh đạo mới tỉnh ngộ, và thấy rằng chơi cái trò “nông thôn vây thành thị” như thế này không ăn cái giải gì. Bây giờ ngược lại, chơi cái trò “thành thị vây nông thôn” có lẽ vui hơn. Nghĩ sao làm vậy. Thế là mấy “ông Tây, bà Đầm” mũi tẹt da vàng bèn ra tay tàn phá nông thôn, không khác gì mấy “ông Mỹ” thả bom ngoài Hà-Nội khi xưa. Cứ theo đà “thành thị vây nông thôn” như vậy, không bao lâu dân nhà nông ta sẽ có dịp làm osin cho các “ông Tây, bà Đầm” mũi tẹt da vàng, hoặc đi xang “bên kia thế giới” làm ăn như thời Tây đô hộ nước ta khi xưa.
Nhờ chính sách “thành thị vây nông thôn”, cảnh “chân lấm, tay bùn” không còn nữa. Ruộng vườn tan hoang, mồ mả tổ tiên bị đào lên thành từng đống rác không ai thương xót... Đó là thùng thuốc súng sẵn sàng nổ tan tành chế độ Tư Bản Đỏ.
Vấn đề là ai sẽ châm lửa vào thùng thuốc súng này?
No comments:
Post a Comment