23/05/12 |
Tiếng Việt nào?
Trong các buổi thuyết trình về tiếng Việt đây đó cũng như các buổi tu nghiệp dành cho giáo viên tiếng Việt tại Úc, một trong những câu hỏi tôi thường nghe nhất là: Có nên dạy “tiếng Việt của Việt Cộng” cho học sinh và sinh viên ở nước ngoài? Mới đây, tôi lại nghe một câu hỏi khác từ một người bạn làm trong ngành truyền thông: Thính giả của đài là người Việt trong nước, đài có nên sử dụng từ ngữ Việt Nam Cộng Hòa thời trước không?
Thú thực, nghe những câu hỏi như thế bao giờ tôi cũng có chút bối rối. Bối rối không phải vì không biết cách trả lời. Bối rối chỉ vì tôi hiểu những băn khoăn và day dứt trong lòng họ khi đặt ra những câu hỏi ấy. Rõ ràng đó không phải là những câu hỏi thuần túy học thuật. Những câu hỏi ấy xuất phát chủ yếu từ những dằn vặt về tâm lý, những ám ảnh về chính trị, và đặc biệt từ những ký ức khốn khổ của chiến tranh và của sự phân hóa.
Từ góc độ học thuật, không có cái gọi là từ ngữ Việt Cộng hay từ ngữ Việt Nam Cộng Hòa.
Lý do:
Thứ nhất, sự phân biệt giữa Việt Cộng và Việt Nam Cộng Hòa là sự phân biệt thuần túy chính trị. Mà ngôn ngữ, ở cấp độ từ vựng, lại không có tính chính trị. Những từ như “ngụy”, “cách mạng”, “giải phóng”, “cải tạo”, “đăng ký”, “khẩn trương”, “bộ đội”, “lính thủy đánh bộ”, v.v. tự chúng, chả có tội tình gì cả. Chúng là những yếu tố nằm trong kho từ vựng tiếng Việt. Phần lớn những từ ấy đã có từ lâu. Ngay một số từ ghép lạ tai với người miền Nam như “lính thủy đánh bộ” cũng bao gồm những từ tố quen thuộc vốn đã có sẵn trong tiếng Việt. Tính chính trị của từ không nằm trong bản thân của các từ ấy. Tính chính trị chỉ có trong các sử dụng. Chữ “giải phóng”, chẳng hạn, hoàn toàn phi chính trị. Nhưng dùng chữ “giải phóng” để chỉ ngày 30 tháng Tư, ví dụ: “ngày giải phóng”, “khi đất nước được giải phóng”, yếu tố chính trị mới xuất hiện.
Nhớ, đầu năm 1990, khi Mỹ và lực lượng Đồng minh (bao gồm 34 quốc gia khác nhau) đánh bật quân đội Iraq của Saddam Hussein ra khỏi Kuwait, nhiều người làm báo ở hải ngoại đã phân vân không biết dùng chữ gì để dịch khái niệm “liberation of Kuwait” vốn được sử dụng đầy dẫy trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Dĩ nhiên ai cũng biết “liberation” là giải phóng. Nhưng người ta lại ngần ngại không muốn dùng chữ “giải phóng” vì, một phần nó gợi lại ấn tượng đau buồn ê chề của họ sau năm 1975; phần khác, vì nó phảng phất âm hưởng… Việt Cộng. Nhưng sự ngần ngại ấy không kéo dài được lâu. Tránh né cách gì, cuối cùng, người ta cũng bắt buộc phải dùng chữ “giải phóng” để chỉ việc quân đội của Saddam Hussein bị đánh bật ra khỏi Kuwait và việc người dân Kuwait hân hoan chào đón tự do và độc lập. Không có chữ gì khác. Dùng riết, trong bối cảnh ấy, chữ “giải phóng” bỗng trở lại nguyên nghĩa của nó. Mà như thế, kể cũng phải. Đứng một mình, chữ ấy hoàn toàn trong sáng. Và trong sạch. Đối với người dân Kuwait, chữ ấy vang lên như một tiếng reo. Nó chỉ trở thành nặng nề với người Việt ở miền Nam mà thôi. Nói cách khác, vấn đề ở đây chỉ là vấn đề cách sử dụng. Nghĩa là ở ngữ cảnh. Chỉ ở ngữ cảnh.
Tương tự như vậy, cách đây mấy năm, ở trong nước, khi dịch cuốn De la démocratie en Amériquecủa Alexis de Tocqueville, dịch giả Phạm Toàn phải sửa “Dân chủ ở Hoa Kỳ” thành “Nền dân trị ở Hoa Kỳ”. Lý do: Ông biết nhà nước Việt Nam hiện nay rất dị ứng với chữ “dân chủ”.
Thứ hai, không nên quá phóng đại vai trò của chính phủ hoặc đảng cầm quyền trong lãnh vực ngôn ngữ. Ngôn ngữ, tự bản chất, là một quy ước xã hội, hình thành từ sự đồng thuận của cả cộng đồng. Bản thân ông Hồ Chí Minh, với tư cách người có quyền lực cao nhất ở miền Bắc từ sau năm 1945, đã muốn “cải cách” chữ quốc ngữ với những cách viết như “kách mệnh” hay “zải phóng”, những kết hợp từ như “dân quân gái” hoặc “người lái” (phi công), cuối cùng cũng thất bại. Hơn nữa, theo dõi kỹ tình hình trong nước, chúnng ta có thể thấy ngay, từ mấy chục năm nay, chính quyền và đảng Cộng sản hầu như bỏ ngỏ lãnh vực ngôn ngữ. Có rất nhiều việc họ cần làm và nên làm, nhưng họ hoàn toàn không làm. Rõ nhất là về phương diện chính tả cũng như việc phiên âm nhân danh và địa danh nước ngoài. Phần lớn các đề nghị thay đổi đều có tính chất tự phát và nảy sinh từ một số cá nhân có thiện chí (có khi đúng có khi sai) hơn là từ một quyền lực chính trị nào.
Thứ ba, không nên quy các phương ngữ vào hai phạm trù Việt Cộng và Việt Nam Cộng Hòa. Sự khác biệt giữa một số từ vựng mà nhiều người hay lên tiếng hoặc để bênh vực hoặc để đả kích phần lớn đều thuộc phạm trù phương ngữ. Mà phương ngữ lại là một hiện tượng lâu đời ở Việt Nam. Từ lâu, một số từ vựng ở miền Nam, miền Bắc và miền Trung đã khác nhau. Hầu hết những khác biệt ấy đều có tính chất địa lý, xã hội và lịch sử hơn là chính trị. Nơi thì gọi “túc cầu”, nơi thì gọi “bóng đá”; nơi thì gọi “phi trường”, nơi thì gọi “sân bay”; nơi thì gọi “quan thuế”, nơi thì gọi “hải quan”; nơi thì gọi “trực thăng”, nơi thì gọi “máy bay lên thẳng”… Thì cũng bình thường. Như ngày trước, chúng ta đã có những khác biệt giữa “heo” và “lợn”, giữa “cha” và “bố”, giữa “cân” và “ký”, giữa “xe lửa” và “tàu hỏa”, “xe hơi” và “xe ô tô”, “xe đò” và “xe khách”, giữa “cá quả”, “cá lóc” và cá tràu”, v.v.
Thứ tư, ngôn ngữ, cũng giống như đời sống, không ngừng vận động và phát triển. Hễ trong xã hội xuất hiện những sản phẩm mới hoặc những hiện tượng mới, những nhận thức mới người ta lại có những nhu cầu đặt ra những từ mới. Nhớ, năm 1996, lần đầu tiên về nước, tôi cảm thấy rất thú vị khi nghe người ta gọi trà Lipton (loại trà bỏ trong gói nhỏ nhúng thẳng vào nước sôi để uống) là trà giật giật; cái robinet (đồ vặn nước ở bồn tắm hoặc bồn rửa mặt) loại mới là cái gật gù (chỉ cần đẩy lên hay xuống chứ không cần vặn theo chiều kim đồng hồ); bò beefsteak là bò né… Nghe, thoạt đầu, thấy ngồ ngộ; sau, ngẫm lại, thấy cũng hay hay. Tôi chẳng thấy có ông hay bà Việt Cộng nào trong những chữ ấy cả. Tôi chỉ thấy có cuộc đời.
Nói tóm lại, theo tôi, phần lớn những sự phân biệt giữa từ Việt Cộng và từ Việt Nam Cộng Hòa là những sự phân biệt giả. Đứng về phương diện từ vựng, đó là những sự khác biệt, một, có tính chất phương ngữ; hai, xuất phát từ những thay đổi trong đời sống. Không nên gắn chúng với một nội dung chính trị nào. Ví dụ, ở nhiều trường tiếng Việt ở hải ngoại hiện nay, nhiều người vẫn khăng khăng dùng chữ “văn phạm” thay cho chữ “ngữ pháp” với lý do chữ “văn phạm” là chữ của ta, còn chữ “ngữ pháp” là chữ của Việt Cộng. Người ta quên hoặc không biết, ở miền Nam, năm 1963, Nguyễn Hiến Lê và Trương Văn Chình đã có cuốn Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam (Nhà xuất Đại học Huế); năm 1968, Lê Văn Lý đã có cuốn Sơ thảo ngữ pháp Việt Nam (Bộ giáo dục xuất bản); năm 1970, Doãn Quốc Sỹ và Đoàn Quốc Bửu đã có cuốn Lược khảo về ngữ pháp Việt Nam (Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn xuất bản), v.v. Sự chọn lựa giữa chữ văn phạm và chữ ngữ pháp, do đó, chỉ là một chọn lựa có tính học thuật: chữ “ngữ pháp” càng ngày càng được nhiều người sử dụng vì người ta nhận thấy nó chính xác hơn chữ “văn phạm” vì, một, đối tượng khảo sát của “grammar” chỉ dừng lại ở cấp độ từ, ngữ và câu chứ không phải là văn chương; và hai, ngôn ngữ, tự bản chất, chỉ có tính quy ước với một số cách thức (pháp) kết hợp chứ không có tính quy phạm (norm). Sự khác biệt giữa hai chữ “xa lộ” và “đường cao tốc” cũng nên được nhìn nhận như vậy: chữ sau hợp lý hơn vì ở thời đại ngày nay, sự phân biệt giữa các loại đường xá là ở tốc độ cho phép chứ không phải ở loại xe, nhất là giữa xe đạp và xe hơi như ngày xưa.
Tôi đề nghị nên xem một số khác biệt trong từ vựng hiện nay là những khác biệt có tính phương ngữ, vừa là ngôn ngữ địa phương vừa là phương ngữ xã hội.
Nhận định ấy dẫn đến mấy hệ luận chính:
Một, mọi phương ngữ đều bình đẳng. Không có phương ngữ nào là đúng hơn phương ngữ nào cả. Không thể nói chữ “heo” đứng hơn chữ “lợn”, “cha” hay “ba” đứng hơn “bố” hay “tía”; “mẹ” đúng hơn “má”. Cũng như trong tiếng Anh hiện nay, không ai nói tiếng Anh ở Anh thì đúng hơn tiếng Anh ở Mỹ hay ở Úc hoặc Canada. Khái niệm một thứ ngôn ngữ chuẩn (standard language) bị xem là đã lỗi thời.
Hai, mỗi phương ngữ, một mặt, có một vùng hoạt động riêng; mặt khác, không ngừng giao tiếp với nhau. Con vật người miền Nam và miền Trung gọi là con heo thì người miền Bắc gọi là con lợn; nhưng ngay ở miền Nam và miền Trung, người ta cũng gọi là “bánh da lợn” chứ không phải “bánh da heo”, và ở miền Bắc, người ta cũng xem “phim con heo” chứ không phải “phim con lợn”.
Ba, giữa các phương ngữ không ngừng có cuộc cạnh tranh gay gắt để được chấp nhận và phổ biến trong cả nước. Các cuộc cạnh tranh ấy chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa. Chính trị chỉ là một phần. Từ năm 1975, chính quyền đặt tên Sài Gòn là thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, dân chúng vẫn cứ gọi là Sài Gòn.
Bốn, sự tồn tại của các phương ngữ chỉ có tác dụng làm giàu cho tiếng Việt. Sự tồn tại của chữ “sân bay” bên cạnh chữ “phi trường” giống như sự tồn tại của chữ “nhà thơ” bên cạnh chữ “thi sĩ” hay “thi nhân”. Những chữ như “khẩn trương”, “bức xúc” hay “đăng ký”… đều hay nếu biết cách sử dụng (tình hình khẩn trương, không khí căng thẳng, hành động gấp gáp; tâm trạng bức xúc; đăng ký xe và ghi danh học, v.v.).
Vấn đề là ở cách dùng.
Chỉ ở cách dùng.
Blog Nguyễn Hưng Quốc (VOA)
No comments:
Post a Comment