Hậu quả tự đánh mất độc lập, tự do
(Phần ba bài Kẻ thù của độc lập, tự do)
PV Quốc Doanh
Vài chục năm nay, mỗi lần Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam họp, lại thêm ngán ngẩm. Truyền thông nhà nước tràn ngập những bài dài, không có tranh luận. Họp mà không tranh luận là vô bổ. Chỉ thấy liệt kê ngày càng nhiều kẻ thù. Từ kẻ thù trước mắt đến kẻ thù lâu dài, từ kẻ thù cụ thể đến kẻ thù tượng tưởng, từ kẻ thù kinh tế đến kẻ thù văn hóa, kẻ thù “dân chủ”, kẻ thù “tự diễn biến”. Đổi mới là một niềm tự hào của Đảng Cộng sản ViệtNam, chẳng biết từ bao giờ cũng ẩn chứa nghi kỵ.
Trước đây, Đảng Cộng sản ViệtNam lãnh đạo nhân dân chống ngoại xâm, có nhiều bạn bè, ở cả những nước đang đưa quân xâm lược nước ta. Nay đất nước không còn ngoại xâm, Đảng Cộng sản Việt Nam nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, ở trong cả các vị lão thành cách mạng, trong thanh niên học sinh, trong văn chương nghệ thuật. Những giá trị nhân quyền, dân chủ, hồi nào là vũ khí đấu tranh giành độc lập và tự do của Đảng Cộng sản ViệtNam thì nay trở thành vũ khí của “kẻ thù”.
Nhìn thấy nhiều kẻ thù chứng tỏ hèn yếu, nhát gan. Các loại kẻ thù mà Đảng Cộng sản Việt Nam liệt kê, chủ yếu là kẻ thù tư tưởng, càng chứng tỏ sự hèn yếu, tư tưởng cũng không đủ cường tráng để tranh luận với những lý thuyết khác nhằm bảo vệ lý thuyết đang giương cao, phải dùng bạo lực để tiêu diệt. Đảng trở thành hay hô hào lòng căm thù, mà lòng căm thù là vũ khí có thể tạo ra chiến thắng nhưng không tạo ra hạnh phúc. Lãnh đạo kêu gọi hận thù thì không còn phù hợp trong thời đại thông tin, vì thời đại này, lãnh đạo là thu hút và hợp tác chứ không phải ra lệnh, bằng nhân từ và tài năng để thuyết phục chứ không phải trừ khử nhau.
Nhìn đâu cũng thấy kẻ thù lại phải ra sức xây dựng thành lũy, cố thủ bảo vệ cái học thuyết xưa cũ, gây lãng phí nguồn lực quốc gia kinh khủng. Một hệ thống trường chính trị từ cấp huyện trở lên cùng nhiều viện nghiên cứu, hội đồng lý luận chỉ nhằm giữ từng dấu chấm dấu phẩy của một học thuyết trong sách, hàng năm tiêu tốn rất nhiều tiền bạc của dân. Trong lúc, cuộc sống mới đặt ra bao vấn đề bức thiết nhưng không còn nguồn lực để giải quyết, từ an toàn vệ sinh thực phẩm đến bảo vệ môi trường, từ học hành đến chữa bệnh, từ nhà ở đến đường sá đi lại, từ khắc phục thảm họa thiên tai đến ứng phó với biến đổi khí hậu. Lãng phí lớn hơn là sức sáng tạo của dân tộc bị bóp nghẹt.
Một tỷ phú nói, chi phí lớn nhất là số tiền mà ta không kiếm được. Lãng phí ghê gớm không chỉ ở tiền bạc bị tiêu tốn mà còn ở tiền bạc không được làm ra, khi phải tập trung nhiều nguồn lực cho một nền lý luận tuyên giáo. Nhà văn Na-Uy Jostein Gaarder viết rằng: “Triết học bắt đầu khi con người nghi ngờ về các giá trị được xem là nghiễm nhiên”. Hệ thống lý luận tuyên giáo của ta không có may mảy giá trị triết học, phần nào còn làm tiêu tan tài nguyên chính trị.
Tư duy bắt chước nhau, trên dưới một giọng điệu, lại không phải chịu trách nhiệm về lời nói. Sự vô trách nhiệm từ đó lan tràn cả hệ thống, trở thành bản chất của hệ thống. Như chủ trương xây dựng doanh nghiệp nhà nước thành động lực gì đấy nhưng khi doanh nghiệp nhà nước gây thất thoát lớn tài sản, không cá nhân nào chịu trách nhiệm; nói vì dân nhưng dùng vũ lực đàn áp dân rất tàn bạo cũng không sợ trách nhiệm.
Hệ thống vô trách nhiệm, mở đường cho đủ thứ cơ hội nổi lên. Lôi bè kết cánh, cha truyền con nối, xây dựng nên một đội ngũ lãnh đạo bị dân khinh rẻ vì vô đạo đức, hoặc căm giận vì độc ác. Vô trách nhiệm sinh ra “hôn quân”, chưa có hệ thống ràng buộc trách nhiệm của chính quyền để giải quyết, chỉ hô hào giải quyết bằng tình cảm, đạo đức nên tình hình càng vô vọng. Tiếng động ầm ầm sụp lở nền móng diễn ra, càng hốt hoảng lo sợ, quẫn trí đánh thẳng vào dân chúng như các vụ Tiên Lãnh, Văn Giang, Vũ Bản mới đây.
Có một cơ hội bước qua những khác biệt về tư tưởng để đoàn kết dân tộc, đó là khi đứng trước nguy cơ ngoại xâm. Ở đây, Đảng Cộng sản ViệtNam cũng lại mắc kẹt vào ý thức hệ. Trong lịch sử nhân loại, chưa có dẫn chứng về nền độc lập và tự do của dân tộc được bảo vệ nhờ ý thức hệ. Ngược lại, có vô vàn cuộc chiến tranh lớn nhỏ xảy ra giữa các quốc gia có cùng ý thức hệ, từ chế độ cộng sản nguyên thủy đến nay. Có một thời khắc ngắn ngủi của lịch sử, hai cuộc chiến tranh giải phóng của dân tộc ta vừa qua, được phe chủ nghĩa xã hội giúp đỡ khá chí tình chí nghĩa. Nhưng không hoàn toàn vì ViệtNam, mà còn vì uy tín của họ trên trường quốc tế, một số nước muốn củng cố vị thế lãnh đạo hệ thống chủ nghĩa xã hội hoặc “thế giới thứ ba”. Nay ý thức hệ không còn có những lợi ích đó làm động lực cho sự giúp đỡ nữa. Nhà tư tưởng của Nhật Bản, ông Fukuzawa Yukichi có viết: “Quốc dân không có chí khí độc lập, không có tinh thần tự do thì lòng yêu nước cũng hàm hồ, nông cạn, vô trách nhiệm”.
Thiên nhiên bền vững khi giữ được sự đa dạng sinh học, muôn loài tồn tại cân bằng. Chân lý này chẳng phải tranh cãi. Mất sự đa dạng sinh học, bùng phát sinh vật ngoại lai thì rất nguy hiểm. Xã hội con người cũng vậy, cần sự đa dạng để cân bằng, từ kinh tế đến văn hóa, từ giáo dục đến khoa học, từ tôn giáo đến nghệ thuật, cả tư tưởng. Lĩnh vực nào có ngoại lai xâm hại đều nguy hiểm. Lại dùng sức mạnh để trừ khử sinh vật bản địa, cho sinh vật ngoại lai thống trị thì vô cùng nguy hiểm.
Einstein nói: “Phá vỡ một thành kiến còn khó hơn phá vỡ một nguyên tử”, thì Các-Mác cũng nói: “Một khi nảy sinh nhu cầu mới thì trong lòng cuộc sống thực đã có điều kiện vật chất để thỏa mãn nó”. Vài nghìn năm xa hơn, nhà triết học Socrates viết: “Sự cực đoan bao giờ cũng tạo ra sự cực đoan ngược lại. Thời tiết cũng thế, thân thể ta cũng thế, nhà nước, quốc gia đều thế cả”. Hậu quả đối chọi cực đoan là đổ vỡ.
Ngày 9/5/2012
P.V Q.D.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
No comments:
Post a Comment