Popular Posts

Saturday, May 19, 2012

Người thứ bảy thuê Điện Elysée

 

18/05/12 |

Người thứ bảy thuê Điện Elysée

Ảnh AP

Người Pháp gọi vị Tổng thống của họ là người ở thuê Điện Elysée, tức Dinh Tổng thống, tọa lạc trong Quận 8 Paris, gần Khải Hòan môn Etoile. Vị Thủ tướng là người ở thuê Điện Matignon trong Quận 7 Paris .

Cả hai vị đều là người ở thuê vì mảng nhiệm kỳ, nếu không tái đắc cử thì phải dọn đi. Điều này có lẽ khác hơn với Tổng thống hay Chủ tịch nước và Thủ tướng của các nước cộng sản độc tài vì họ ít khi biết trả lại nhà cho dân. Họ đi chỉ khi nào bị phe cánh của họ lật đổ họ mà thôi. Thủ tướng Phạm văn Đồng tại vị suốt 30 năm cho tới khi già, đi không vững, mới rời ghế.

Dinh Thủ tướng gọi là Hotel Matignon nhưng không phải là khách sạn bình thường như ta biết nên đừng qua internet mà thuê phòng để tới Paris du lịch. Tây có cách gọi những cơ quan chánh phủ không giống ai hết nên những người mới tới xứ Pháp thường không khỏi lấy làm lạ khi thấy Sở Thuế là Hotel des Impots, bót Cảnh sát là Hotel de Police. Riêng Hotel này, người lạ có thể ở được, khỏi trả tiền và khỏi « đăng ký » trước. Khi tới có xe có còi hụ chở tới.

Sáng hôm 15 tháng 5, Ông François Hollande là người thứ 7 chánh thức thuê Điện Elysée với hợp đồng 5 năm có tái ký thêm một lần.

Lễ bàn giao

Lối 9 giờ, quan khách bắt đầu tề tựu trong Phòng Khánh tiết Dinh Tổng thống. Chánh quyền Tỉnh Corrèze nơi Ông Hollande làm Chủ tịch Hội đồng Tỉnh trước khi đắc cử Tổng thống, Đại diện các Nghiệp đoàn, Dân biểu, Nghị sĩ và hai vị chủ tịch của hai viện để chút nữa sẽ đại diện dân nhìn nhận sự đắc cử của Ông Hollande và Ông Hollande là Tổng thống . Các đồng chí của Ông Hollande gồm cán bộ đã tham dự vận động bầu cử cho ứng cử viên của đảng, như Manuel Valls, Pierre Moscovici, Tổng bí thư đảng Martine Aubry, …các vị cựu Thủ tướng thuộc đảng xã hội thời Ông Mitterrand đắc cử 2 nhiệm kỳ 14 năm tứ 1981 như Pierre Mauroy, Laurent Fabius, Edith Cresson, …

Ông Jean-Louis Debré, Chủ tịch Viện Bảo Hiến, có mặt để tuyên bố Ông Hollande là vị Tổng thống thứ 7 của nền Đệ V Cộng Hòa và thứ 24 của nền Cộng Hoà Pháp từ năm 1848 .

10 giờ 40, mọi người chờ đợi Ông Hollande tới. Từ cửa vào Điện Elysée, một tấm thảm đỏ trải dài ra gần cổng. Cửa mở, xe của Ông Hollande ngừng lại đúng đầu thảm đỏ. Ông xuống xe, bước lên thảm đỏ, tiến vào Dinh. Ở đầu kia, Ông Sarkozy từ trong Dinh ra, bước xuống thềm, đứng ở đầu thảm chờ đón Ông hollande.

Hai người vào văn phòng Tổng thống họp để bàn giao. Ngoài những hồ sơ quan trọng, Ông Hollande tiếp nhận ở Ông Sarkozy chìa khóa vũ khí hạt nhân. Cuộc họp mất 45 phút.

Ông Hollande đưa Ông Bà Sarkozy ra về, chỉ đưa ra ngoài cửa thôi. Không đưa ra tận xe như Ông Chirac đã đưa Ông Mitterrand hồi 1995, Ông Sarkozy đưa Ông Chirac năm 2007. Vì muốn giữ tinh thần chống Sarkozy, khẩu hiệu tranh cử?

Chiếc công xa đợi ông ở đúng chỗ lúc nãy để Ông Hollande xuống, nhưng xe quay đầu ra phía ngoài để đi. Ông Bà Sarkozy đi thong thả ra xe. Có tiếng nhạc hòa lẫn với tiếng vỗ tay, có lẽ của thanh niên UMP và của dân chúng đứng trước cửa Điện Elysée tiễn đưa.

Ông Hollande trở vào tham dự lễ chánh thức nhậm chức. Ông tiến chậm chậm tới đứng thẳng ngay trước mặt Ông Jean-Louis Debré, Chủ tịch Viện Bảo Hiến, để nghe Ông Debré tuyên bố: “Kể từ hôm nay, ông là hiện thân của nước Pháp”, tức ông là Tổng thống thứ 7 của nền Đệ V Cộng Hòa. Ông Hollande ký vào biên bản lễ tấn phong và nhận Huy chương cao quí nhứt nước Pháp.

Trước đó, Ông Hollande đã được Tướng Jean-Louis Georgelin tại Phòng Đại sứ (Salon des Ambassadeurs) gắn lên bâu áo của ông Bảo Quốc Huân chương Thượng hạng, mẫu thu nhỏ.

Cử chỉ, bước đi của Ông Hollande đều râm rấp tuân theo qui định của Ban Nghi lễ của Tổng thống phủ .

Lễ nhậm chức của Ông Hollande không có gia đình tham dự. Các con của ông và Bà Ségolène Royal và các con của bà bồ mới Valérie Trierwiller đều không có ai tới. Khác với Ông Sarkozy, ngày nhậm chức, gia đình có mặt đầy đủ, mẹ và các con của hai ba phe.

Lúc mới tới, Bà Carla nói chuyện vui vẻ với bà bồ của Ông Hollande. Lúc ra về, hai bà chào nhau rất lịch sự.

Với tư cách Tổng thống thứ 7, Ông Hollande đọc bài diễn văn nhận định hiện tình nước Pháp và phát họa vài nét chánh, đúng hơn, ý muốn của Chánh phủ sẽ làm gì trong 5 năm tới:

“sẽ vực dậy nước Pháp trong tinh thần công lý”. Ông tiếp: “Trong ngày hôm nay, tôi cảm nhận được gánh nặng của những khó khăn mà đất nước chúng ta đang đối diện: nợ quá lớn, tăng trưởng thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao, sức cạnh tranh suy giảm”. Tân tổng thống Pháp khẳng định: “Những bất đồng giữa chúng ta không nên trở thành sự chia rẽ, những khác biệt giữa chúng ta không nên trở thành mối bất hòa. Đất nước đang cần yên dịu, hòa giải, tập hợp”. Cũng trong bài diễn văn này, Tân Tổng thống Hollande cho biết sẽ đề nghị với các lãnh đạo Châu Âu một “Hiệp ước mới” kết hợp việc giảm nợ công với việc kích thích tăng trưởng. Ông Hollande còn cam kết sẽ hành xử quyến tổng thống khác với phong cách của người tiền nhiệm Sarkozy, tức là ông sẽ chỉ đề ra những ưu tiên, chứ không “quyết định mọi chuyện, cho mọi người và ở mọi nơi”, mà sẽ để cho chánh phủ làm việc theo đúng vai trò hiến định. Trong bài diễn văn, Tân Tổng thống Pháp cũng đã tôn vinh những người tiền nhiệm, từ Charles de Gaulle, Georges Pompidou, Valéry Giscard d’Estaing , François Mitterrand, Jacques Chirac, cho đến Nicolas Sarkozy. Với Ông Sarkozy, Ông Hollande chúc một cuộc đời mới sẽ mở ra trước mắt.

Xong phần lễ nhậm chức, Ông Hollande với bà bồ bên cạnh, đi bắt tay chào quan khách. Ban tiếp tân mời giải khát.

Rời điện Elysée, sau 21 phát đại bác chào mừng Tân Tổng thống, Ông Hollande lên chiếc DS5, loại Citren mới, chạy điện và xăng, mui trần, tiến ra Đại lộ Champs-Elysée, vẫy tay chào dân Pháp dọc theo hai bên đường, rồi ông đến nghiêng mình trước Đài Chiến sĩ vô danh dưới Khải hoàn môn Etoile. Theo truyền thống, các vị Tân Tổng thống trong ngày nhậm chức thường có cử chỉ tôn vinh các danh nhân nước Pháp. Tân Tổng thống Hollande đã chọn hai nhân vật mang tính biểu tượng rất cao đối với ông. Thứ nhất là Ông Jules Ferry, Cựu Tổng trưởng Giáo dục dười thời Đệ tam Cộng hòa, người đã đề ra chánh sách giáo dục cưỡng bách, thế tục và miễn phí.

Người thứ hai là nữ bác học người gốc Ba-lan Marie Curie, giải Nobel Vật lý 1903 và Hoá học 1911, biểu tượng của nghiên cứu, giảng dạy và hội nhập. Ông Hollande đã đọc diễn văn trước bức tượng Jules Ferry tại vườn Tuleries và đến thăm Viện Curie.
Ông Hollande đi tới đài kỷ niệm chiến sĩ vô danh, Vườn Tuileries và Viện Marie Curie đúng lúc trời mưa nặng hột làm cho Ông ướt sủng nước mưa. Ông đứng trên xe mui trần, vẫy tay chào dân chúng đứng hai bên đường, nhưng dân chúng chỉ còn thưa thớt vì bỏ chạy vào vỉa hè đụt mưa.

Bồ hay Vợ

Cho tới nay, Bà valérie Trierwiller vẫn còn là bồ của Ông Hollande. Ứng xử trong vấn đề này, Ông Sarkozy không giống phần lớn những người tả phái. Ông Sarkozy thích ai là chụp ngay và làm đám cưới chớp nhoáng.

Sống chung, không cần cưới hỏi, có lẽ đó là thứ văn hóa gia đình của những người tả phái ở Pháp. Người Mác-xít vẫn cho rằng những thứ câu nệ này quá nặng mùi tiều tư sản. Mà đúng vậy. Bởi họ chủ trương đả phá những ràng buộc, những mẫu mực giá trị của văn hóa dân tộc cũ . Đây còn là trào lưu tư tưởng xuất hiện hồi tháng 5 / 1968 mà lớp tuổi đó ngày nay còn trong guồng máy lạnh đạo của cánh tả. Trong gần đây, nổi lên rầm rộ những phong trào nữ giới khuynh tả đòi hỏi những quyền tự do như để ngực trần “Tại sao đàn ông ở trần đưọc mà chúng tôi phải mang sú-cheng?” hay “Hôn nhân không cải thiện thân phận chúng tôi”, …

Dân chúng có vẻ mặc kệ. Được hỏi Ông Hollande làm Tổng thống, vậy bà bồ Valéie Trierwiller sẽ phải thành hôn chánh thức không? Viện Harris Interactive công bố kết quả thăm dò ngay hôm lễ nhậm chức: 8/10 người trả lời “mặc kệ họ” vì đó là sự chọn lựa của họ. Vấn đề cá nhân. Hôn nhân của Tổng thống, dân chúng Tây không quan tâm. Khác hơn Mỹ. Vì « mặc kệ » mà Cựu TT Mitterrand tư tình có con gái trưởng thành, lúc ông sắp chết mới công khai. Nay cô con gái Mazarine Pingent của ông có mặt trong lễ tấn phong Ông Holande. Ông DSK làm rùm beng từ Lille qua tới NY . Lúc TT.Clinton ra hầu Tòa vì tội sách nhiễu tình dục, báo chí Pháp hỏi Bà Guigou, Tổng trưởng Tư pháp của Chánh phủ dưới thời T.T. Mitterrand, nghĩ sao về vụ này. Bà thản nhiên trả lời “Nước Pháp trước đây là nước quân chủ nên dân chúng quen với đời sống của nhà vua có nhiều nhân tình. Mỹ không có vua nên lấy làm khó chịu mấy chuyện đó”.

Tuy nhiên bồ, chớ không phải vợ không khỏi đặt ra cho nghi lễ trở thành vấn đề phức tạp khi thăm viếng các quốc gia khác, tiếp kiến các phái đoàn Chánh phủ tới Paris hoặc tham dự những buổi họp quốc tế.

Không phải vợ thì không thể gọi là “Bà Hollande” hay “Tổng thống phu nhân” được. Còn gọi là Bà Valérie Trierwiller, thì nói làm sao mối quan hệ với Ông Hollande.

Làm sao gọi bà là “Bà số 1 của nước Pháp”?

Nếu đa số mặc kệ, thí có 13 % dân chúng muốn hai người phải cưới nhau chánh thức. Ý kiến cưới nhau, được 29 % cử tri của Ông Sarkozy tán thành. Cùng quan điểm, phía Bà Marine Le Pen, cực hữu, và Ông Bayrou, trung hữu, có 15 %. Riêng cử tri của Ông Hollande không cho là quan trọng. Chỉ có 2 % cho là đáng quan tâm.

Sau buổi lễ tại Tòa Đô chánh Paris vào chiều ngày nhậm chức, Ông Hollande sẽ bay qua Berlin, vào lúc 16 giờ, để gặp thủ tướng Đức Angela Merkel. Nhưng ông đã phải tới trễ vì phi cơ Falcon 7X chở ông bị sét đánh nhằm nên phải quay lại và hạ cánh tại phi trường quân sự Villacoublay, gần Paris. Ông đổi chiếc Falcon 900 bay qua Berlin và hội kiến với Thủ tướng Merkel.

Sau ngày lễ nhậm chức của Tổng thống mới, dân chúng Pháp mong đợi khả năng mua sắm của mình sẽ được cải thiện sớm, rồi tới các sanh hoạt khác. Nước Pháp may ra sẽ khá nhờ Thiên Lôi đã chiếu cố!

© Nguyễn thị Cỏ May

© Đàn Chim Việt


 

 

 

 

 

 dangnguoivietyeunguoiviet.org

No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List