THƯƠNG MẠI - Bài đăng : Thứ tư 09 Tháng Năm 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 09 Tháng Năm 2012
Hàng Trung Quốc chiếm hơn một nửa số sản phẩm ‘nguy hiểm’ bán tại Châu Âu
Loại đồ chơi trẻ em này bị cấm vì có chứa hóa chất độc hại.
DR
Mai Vân RFI
Không chỉ có thực phẩm Trung Quốc là thiếu an toàn. Liên Hiệp Châu Âu vào hôm qua, 08/05/2012 đã báo động là hơn một nửa sản phẩm bị ghi nhận là nguy hiểm trên lãnh thổ châu Âu, có xuất xứ từ Trung Quốc. Hàng vải sợi và đồ chơi nằm trong những sản phẩm nguy hiểm thường được nêu lên nhất, quần áo thì gây dị ứng, đồ chơi thì gây thương tích.
Trong một bản báo cáo do Ủy ban Châu Âu công bố, trong năm 2011 vừa qua, có tổng cộng 1803 mặt hàng lưu hành tại châu Âu được cảnh báo là nguy hiểm. Trong số này, có đến 54% là được sản xuất tại Trung Quốc, bao gồm đủ loại mặt hàng, từ hàng may mặc, đồ chơi, cho đến các loại xe gắn động cơ.
Hàng vải sợi và đồ chơi nằm trong những sản phẩm nguy hiểm thường được nêu lên nhất, quần áo thì gây dị ứng, đồ chơi thì gây thương tích.
Vấn đề gây thương tích chiếm 26% các trường hợp nguy hiểm được nêu lên, hoá chất độc hại là 19%, và trường hợp trẻ em bị ngạt do đồ chơi là 15%.
Tuy nhiên, sau các mặt hàng Trung Quốc, 19% sản phẩm bị đánh giá nguy hiểm lại là hàng sản xuất trong Liên Hiệp Châu Âu, 15% đến từ các nước khác, 8% còn lại không rõ xuất xứ.
Tuy hơn một nửa sản phẩm bị cảnh báo là nguy hiểm như nói trên đến từ Trung Quốc, báo cáo của Ủy ban Châu Âu cho là tỷ lệ này đã có giảm sút so với năm trước. Vào năm 2010, hàng có ghi « Made in China / Chế tạo tại Trung Quốc » chiếm đến 58% các sản phẩm bị lưu ý là nguy hiểm được bán trên thị trường Châu Âu.
Sô lượng hàng gọi là nguy hiểm nói chung cũng giảm. Năm ngoái, hệ thống RAPEX của Châu Âu đã nêu 1803 mặt hàng bị đánh giá là nguy hại, trong khi vào năm 2010, số lượng này là 2.244.
Đây là lần đầu tiên từ ngày hệ thống giám sát mặt hàng nguy hiểm RAPEX của Châu Âu được thành lập, mà số lượng mặt hàng bị cảnh báo là nguy hiểm, cần phải rút khỏi thị trường, lại giảm sụt như vậy.
Tuy nhiên trước hiện tượng sụt giảm đó, câu hỏi đặt ra là nguyên nhân đến từ đâu ? Đó là dấu hiệu có tiến bộ trong vần đề cải thiện chất lượng, bảo đảm an toàn do việc hệ thống cảnh báo được thành lập, hay là đó là vì công việc kiểm tra đã giảm sụt ?
Trước các câu hỏi đó, Ủy ban Châu Âu đã công nhận rằng số lượng cảnh báo giảm sụt có lẽ một phần đến từ việc cắt xén ngân sách và phương tiện trong guồng máy hành chánh các quốc gia thành viên, đang phải tiết kiệm tối đa chi phí vận hành.
Tuy nhiên, trong thông cáo của mình, Ủy ban cũng đã bào chữa là hệ thống giám sát RAPEX đã đạt đến trình độ chắc chắn, hữu hiệu, cho phép nâng cao chất lượng thông báo và đánh giá của mình.
Ủy viên Châu Âu phụ trách hồ sơ này, ông John Dalli cho rằng việc số lượng mặt hàng nguy hiểm lưu hành trên thị trường ít đi hơn là một điều đáng mừng cho người tiêu thụ. Thế nhưng ông cũng kêu gọi người tiêu dùng ở Châu Âu tiếp tục đề cao cảnh giác.
Châu Âu, theo ông, phải « tiếp tục nỗ lực đối phó với những thách thức của sự toàn cầu hóa của dây chuyền cung cấp hàng hóa, và xử lý vấn đề an toàn sản phẩm khi nó vừa xuất hiện ».
No comments:
Post a Comment