Ánh sáng từ một người mù
Nguyễn Hưng Quốc - VOA
Trong suốt hai tuần lễ vừa qua, nhân vật nổi tiếng nhất thế giới, xuất hiện thường xuyên trên trang đầu của hầu hết các tờ báo, từ nghiêm chỉnh đến không nghiêm chỉnh, từ hình thức giấy đến hình thức mạng, chắc chắn là ông Trần Quang Thành (Chen Guangcheng, sinh năm 1971), một trong những nhà bất đồng chính kiến và tranh đấu cho nhân quyền nổi tiếng nhất của Trung Quốc.
Luật sư mù Trần Quang Thành được Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke (phải) và Cố vấn Pháp lý của Bộ Ngoại giao Mỹ Harold Koh (trái) đưa tới bệnh viện ở Bắc Kinh |
Hình: AP: Luật sư mù Trần Quang Thành được Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke (phải) và Cố vấn Pháp lý của Bộ Ngoại giao Mỹ Harold Koh (trái) đưa tới bệnh viện ở Bắc Kinh |
Thật ra, nói cho ngay, ông Thành đã nổi tiếng từ lâu.
Năm 2007, ông được báo Time ở Mỹ bầu chọn là một trong 100 nhân vật mà tài năng, quyền lực hoặc đạo đức đang góp phần thay đổi thế giới (100 men and women whose power, talent or moral example is transforming our world).
Cuối năm ngoái, ông được trao giải Ramon Magsaysay Award, một giải thưởng hàng năm dành cho những người đạt được những thành tích xuất sắc nhất trong việc tranh đấu cho hòa bình, sự bình đẳng và pháp quyền cũng như sự hiểu biết và thông cảm giữa các quốc gia, vốn được dư luận đánh giá rất cao, xem như một loại giải Nobel hòa bình ở châu Á (Asian Nobel Award).
Trần Quang Thành cũng được nằm trong danh sách 50 người sẽ làm thay đổi thế giới do tạp chí Wired ở Anh tổ chức. (Người đề cử chính là nghệ sĩ Ngải Vị Vị - Ai Weiwei)
Tuy nhiên, chưa bao giờ Trần Quang Thành lại thu hút sự chú ý của dư luận toàn cầu như trong hai tuần lễ vừa qua. Không những vậy, ông còn ở trong vị trí có thể ảnh hưởng sâu sắc đến mối quan hệ vốn lúc nào cũng khá bấp bênh và đầy thử thách giữa Mỹ và Trung Quốc, khiến không ít người, ngay cả những người ở vị thế cao nhất trong giới lãnh đạo của cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều phải đắn đo cân nhắc trong cách đối xử với ông.
Ngoại trưởng Hillary Clinton nói chuyện qua điện thoại với ông. Một số dân biểu và nghị sĩ Mỹ cũng nói chuyện thẳng với ông trong một phiên họp chính thức hôm Thứ Năm, ngày 3 tháng 5, vừa qua.
Trần Quang Thành là ai và làm gì mà được chú ý và gây ảnh hưởng lớn lao như vậy?
Hầu như tất cả các tờ báo tiếng Anh, khi nhắc đến Trần Quang Thành, đều gắn liền ông với một danh xưng “blind lawyer”, một luật sư mù, hoặc, “văn chương” hơn, một luật sư khiếm thị.
Riêng tôi, tôi thích dùng chữ “mù” hơn chữ “khiếm thị”. Không có lý do gì để né tránh chữ “mù” cả. Chắc chắn ông không thấy có gì xúc phạm trong chữ ấy cả. Bởi ông mù thật. Mù hoàn toàn. Mù ngay từ lúc nhỏ, lúc mới khoảng một tuổi, sau một cơn sốt nặng.
Mù, lúc nào cũng khổ. Mù mà nghèo lại càng khổ. Mà Trần Quang Thành thì dường như nghèo truyền kiếp. Cha mẹ, ông bà của ông là nông dân. Lớn lên trong một gia đình nghèo, lại mù, dĩ nhiên Thành không được học hành gì cả.
Đến năm 1994, tức lúc 23 tuổi, ông mới bắt đầu học chữ khi được nhận vào một trường dành riêng cho người mù. Ông học ở đó bốn năm. Sau khi “tốt nghiệp”, ông ghi danh học ở trường Đại học Y khoa Nam Kinh chuyên về châm cứu và tẩm quất (massage), một nghề mà những người mù ở cả Trung Quốc lẫn Việt Nam thường vẫn chọn.
Học xong, ông về quê, làm nghề tẩm quất trong một bệnh viện địa phương.
Bình thường, ở thế của ông, người ta rất dễ an phận với nghề làm tẩm quất như vậy. Rồi có vợ. Rồi có con. Nhưng Trần Quang Thành thì không. Châm cứu hay tẩm quất chỉ là một nghề để kiếm cơm. Đam mê của ông nằm ở một lãnh vực khác: luật pháp.
Nhưng ở Trung Quốc, một người mù như ông lại không được học luật. Ông đành tự học.
Thoạt đầu, ông nhờ anh của ông đọc cho ông nghe. Sau, khi đã biết chữ dành cho người mù, ông đều kiếm bất cứ thứ gì liên quan đến luật để đọc và nghiền ngẫm. Dần dần kiến thức về luật của ông cứ tăng lên mãi. Và ông được nhiều người gọi là… luật sư.
Dù ông không hề có bằng cấp gì về luật cả. Thậm chí, dự một giờ học về luật một cách chính thức trong giảng đường cũng không. Ông là một thứ luật sư chân đất (barefoot lawyer).
Oái oăm thay, chính vị luật sư chân đất, hoàn toàn không có bằng cấp ấy, lại thắng nhiều trận chiến pháp lý một cách oanh liệt và làm cho chính quyền Trung Quốc run sợ. Lần đầu tiên Trần Quang Thành đụng đến vấn đề pháp lý là vào năm 1994, lúc ông bị đánh thuế, trong khi, trên nguyên tắc, theo luật pháp Trung Quốc, với tư cách một người mù, ông phải được miễn. Lần ấy, ông thắng kiện.
Sau đó, ông giúp đỡ những người tàn tật khác đi kiện để đòi hỏi quyền lợi cho họ. Ông lại thắng. Năm 2000, ông tập hợp dân làng kiện một hãng giấy thải nhiều chất độc xuống sông và làm hư hại mùa màng tại địa phương.
Nổi đình đám nhất là năm 2005, ông kiện chính quyền ở tỉnh Sơn Đông đã ép buộc nhiều phụ nữ phải phá thai một cách dã man trong chính sách một con của Trung Quốc. Đơn kiện bị bác nhưng tiếng tăm của ông Thành lại nổi lên như cồn, không những chỉ ở Trung Quốc mà còn lan rộng trên phạm vi quốc tế. Nhiều tổ chức quốc tế đến thăm viếng ông.
Trung Quốc bèn dán cho ông nhãn hiệu tham gia vào các lực lượng phản động nước ngoài chống phá chính quyền cách mạng. Tháng 9 năm 2005, ông bị quản thúc tại nhà.
Một tháng sau, ông tìm cách trốn để lên Bắc Kinh, nhưng cuối cùng, bị bắt, bị đánh đập tàn nhẫn và bị quản thúc ở nơi khác để chờ ngày xét xử. Phiên tòa bị dời đi dời lại nhiều lần vì bị dân chúng tập hợp phản đối. Cuối cùng, họ phải tổ chức một phiên xử vội vã vào ngày 18 tháng 8 năm 2006. Trước ngày xử, cả ba luật sư bào chữa cho ông đều bị câu lưu.
Trong phiên tòa, người ta cử một luật sư của chính phủ ra đóng vai biện hộ cho ông. Vị luật sư này thậm chí chưa hề đọc bất cứ tài liệu nào liên quan đến vụ án cả. Hơn nữa, không có bất cứ người nào được tham dự phiên xử, trừ mấy anh em của ông Thành. Cuối cùng, tòa phán quyết ông Thành có tội phá hoại tài sản công cộng và tổ chức gây rối trật tự giao thông, và bị tù bốn năm ba tháng. Nhiều quốc gia và các tổ chức nhân quyền phê phán bản án ấy. Nhưng chính quyền Trung Quốc mặc kệ. Trần Quang Thành vẫn bị bỏ tù.
Năm 2010, mãn hạn tù, Thành tiếp tục bị quản thúc tại nhà. Ông và vợ tìm cách liên lạc với bên ngoài qua điện thoại. Công an bèn cắt đường dây điện dẫn vào nhà; dựng khung sắt trên tất cả các cửa sổ và dựng hàng rào kiên cố chung quanh nhà ông nhằm cô lập ông và gia đình ông hoàn toàn.
Không nuôi nổi con, ông phải gửi đứa con trai lớn cho họ hàng nuôi giúp. Đứa con gái nhỏ, sáu tuổi, không được phép đến trường. Mẹ ông đi làm ruộng thường xuyên bị công an sách nhiễu. Bản thân ông và vợ cũng thường xuyên bị đánh đập.
Chung quanh nhà ông Thành lúc nào cũng có hàng chục công an canh gác. Chi phí canh gác ông nghe đồn lên đến 60 triệu đồng nguyên, tức khoảng 9 triệu rưỡi đô-la Mỹ. Bất cứ người nào muốn thăm ông, kể cả các chính khách hay nhân vật quan trọng trên thế giới, cũng đều bị từ chối. Người nào bất chấp lệnh cấm đến thăm ông cũng đều bị chận lại, chửi bới, thậm chí, đánh đập. Năm 2011, tài tử Christian Bale và đoàn phóng viên CNN đến thăm ông cũng bị chận lại, ném đá và đuổi đi một cách thô bạo.
Không chịu đầu hàng, ngày 22 tháng 4 năm 2012, Trần Quang Thành tìm cách trèo tường, qua mặt cả mấy chục công an và cả lực lượng dân phòng địa phương, thoát ra khỏi nhà và khỏi làng. Trong đêm tối, ông đi bộ hàng chục cây số, té lên té xuống cả hơn 200 lần, bị gãy cả xương chân. Vậy mà ông vẫn đi. Sau đó, ông được một số người ủng hộ giúp chở lên Bắc Kinh. Đúng 20 tiếng đồng hồ sau, vượt qua một chặng đường dài 700 cây số, ông có mặt ở Bắc Kinh với một thân thể trầy trụa, hôi hám, gần như kiệt sức.
Tại đây, ông thu một cuộn băng video rồi tung lên Youtube, trong đó, ông đòi hỏi Thủ tướng Ôn Gia Bảo phải xét xử các cán bộ địa phương đã hành hạ ông và gia đình ông một cách phi pháp; phải bảo đảm an toàn cho ông và gia đình; và phải xét xử bọn cán bộ tham nhũng theo đúng luật pháp. Rồi ông xin vào Tòa Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh để lánh nạn.
Sự kiện một người mù trèo tường vượt qua sự kiểm soát ngặt nghèo của công an và lực lượng dân phòng khiến mọi người kinh ngạc. Và khâm phục. Nó giống như trong một cuốn phim huyễn tưởng hơn là trong cuộc đời thực.
Trần Quang Thành ở trong Tòa Đại sứ Mỹ tổng cộng sáu ngày. Đó cũng là thời gian dư luận thế giới hầu như sôi sục hẳn lên. Cả chính quyền Obama đều tập trung giải quyết vấn đề một cách gấp gáp để tránh ảnh hưởng đến quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Hillary Clinton bắt đầu từ Thứ Tư, 2 tháng 5. Mọi chuyện sau có vẻ như đã được giải quyết ổn thỏa. Chiều Thứ Tư, người ta thấy Đại sứ Mỹ tháp tùng Trần Quang Thành đến bệnh viện Bắc Kinh trị bệnh.
Chính quyền Mỹ tránh được một thế khó xử. Chính quyền Trung Quốc đành cắn răng đè nén nỗi căm tức để giữ mối quan hệ với Mỹ. Chỉ có một điều chưa ai biết đoạn kết câu chuỵên của Trần Quang Thành sẽ như thế nào.
Liệu Trung Quốc có giữ lời hứa không trả thù Trần Quang Thành không?
Không ai dám chắc cả. Chỉ biết, sau khi các nhân viên ngoại giao Mỹ quay lưng đi, ở bệnh viện một mình, ông Thành đã bị đe dọa đến độ - theo lời bạn bè ông, lần đầu tiên thấy khiếp hãi. Mới đây, người ta biết thêm một tin tức khác: Bắc Kinh đồng ý cho Trần Quang Thành xuất ngoại dưới danh nghĩa du học.
Cho dù kết thúc thế nào, Trần Quang Thành cũg đã trở thành biểu tượng của cuộc tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền tại Trung Quốc hiện nay.
Cả thế giới nhìn ông.
Và thấy ánh sáng rực lên từ cặp kính đen che đôi mắt mù lòa từ thuở ông chưa tới một tuổi.
Riêng với người Việt Nam, tôi nghĩ câu chuyện của Trần Quang Thành có thể là một nguồn cảm hứng lớn.
Từ ông, chúng ta có thể nghĩ ngợi được nhiều điều liên quan đến chúng ta. Và đất nước của chúng ta.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân.
Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment