Thứ hai, ngày 25 tháng sáu năm 2012
KHAI TRÍ, CHẤN KHÍ ĐỂ ĐÒI LẠI QUYỀN LÀM NGƯỜI.
Cách đây hơn 100 năm, quyền làm người của nhân dân Việt Nam bị chế độ độc tài phong kiến và thực dân Pháp tước đoạt, người Việt Nam sống trong cảnh nô lệ, không hơn súc vật bao nhiêu. Phan Châu Trinh và các đồng chí của cụ là Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng đã khởi xướng ra phong trào Duy Tân để kêu gọi toàn dân đứng lên đòi lại quyền làm người.
Các cụ đã mở nhiều trường học để nâng cao dân trí và khai sáng cho người dân thấy rằng quyền làm người của mình đã bị bọn cường quyền tước đoạt như thế nào, làm thế nào để đòi lại và đòi lại được thì làm thế nào để bảo vệ.
Theo các cụ, muốn đòi lại thì phải chấn khí từ niềm tự tin vào trí tuệ được khai sáng của mình, tạo ra sự dũng cảm, tập hợp lực lượng, xây dựng tinh thần dân chủ, đấu tranh lại với cường quyền đòi lại dân quyền đồng thời với chủ quyền quốc gia.
Khi đã đòi lại được trọn vẹn quyền làm người thì để bảo vệ nó, phải xây dựng một nhà nước pháp quyền theo định chế dân chủ với ba quyền phân lập rõ ràng. Chỉ có một nhà nước pháp quyền thực sự như vậy do người dân dựng lên mới đảm bảo bền vững quyền làm người trọn vẹn của người dân.
Quyền làm người của toàn dân là cái gì đó còn quý báu hơn vàng nên luôn là món mồi béo bở kích thích sự thèm muốn của những kẻ cầm quyền. Bọn cầm quyền phong kiến trong hàng ngàn năm trên toàn thế giới chưa bao giờ nghĩ đến việc trả lại cho người dân những quyền cơ bản để làm người.
Khi chế độ phong kiến sụp đổ, một chế độ khác thay thế nếu không theo định chế dân chủ, không tam quyền phân lập hoặc dân chủ trá hình sẽ tạo cơ hội cho cá nhân hay một nhóm cá nhân cầm quyền nổi lên lòng thèm khát, tái tước đoạt quyền làm người của toàn dân.
Quyền làm người của nhân dân để trước mắt nhà cầm quyền mà không có định chế dân chủ trùm lên bảo vệ cũng giống như mỡ để trước miệng mèo mà không có lồng che. Hầu hết những nhà nước phi dân chủ tiếp theo sau chế độ phong kiến đều đã xử sự như vậy, hiếm hoi và may mắn lắm mới xuất hiện đâu đó một ông độc tài nhưng mà tốt, biết kiềm chế cơn thèm khát quyền lực của mình.
Nhà cầm quyền cộng sản do ông Hồ Chí Minh lập ra, sau khi Nhật đầu hàng đồng minh thì đối mặt ngay với cuộc chiến 30 năm đã tạo lý do cho họ đưa toàn bộ quyền làm người của từng người dân vào chế độ quân quản thời chiến. Vì lí do nầy hay lí do khác hoặc vì thấy cần thiết phải hy sinh cho chiến thắng nên người dân có thể chấp nhận điều nầy.
Nhưng vào giai đoạn hòa bình, nhà nước đặt dưới quyền lãnh đạo tuyệt đối của đảng Cộng Sản, lại đưa cả nước tiến lên CNXH theo đường lối kinh tế hoạch định. Toàn bộ tài sản, đất đai, tư liệu sản xuất, phương tiện sản xuất đều được quốc hữu hóa để đặt dưới quyền quản lý của nhà nước. Quyền làm người của từng người dân, tuy không phải là vật chất nhưng cũng được nhà cầm quyền duy vật đưa vào tập thể, được quốc hữu hóa và cũng được quản lý nghiêm ngặt như các loại tài sản vật chất khác. Từ đó, sinh ra khái niệm "quyền làm chủ tập thể của nhân dân" mà người khai sinh ra nó là ông Lê Duẩn rất đắc ý.
Trong đêm dài bao cấp của "quyền làm chủ tập thể", hầu như người dân mất toàn bộ quyền tự do để làm người. Tư do riêng tư, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do mưu sinh, tự do ngôn luận, tự do biểu tình, tự do hội họp, tự do lập hội... Tất cả những cái quyền ấy đều được nhà cầm quyền cất giữ, ai muốn tạm xin lại phải làm đơn để cơ quan chức năng xét duyệt và không phải quyền nào cũng xét trả tạm lại được.
Nhớ lại thời ấy, người dân muốn làm cái gì cũng phải xin phép nhà cầm quyền. Đi từ địa phương nầy sang địa phương khác, phải xin phép. Tạm trú qua đêm tại nhà khác cũng phải xin phép.
Rồi có những việc xin phép cũng không được làm như : Ngôn luận, lập hội, biểu tình...và chuyện mưu sinh cũng bị cấm đoán. Vì thế mới có chuyện vua lốp tự ý sản xuất ra lốp xe nên bị bắt bỏ tù và những tư nhân làm ăn khấm khá bị đưa đi cải tạo.
Thậm chí cái quyền cốt lõi của con người là quyền được sống cũng bị xâm phạm nghiêm trọng. Hàng vạn người chết vì cải cách ruộng đất và gần cả triệu người bỏ xác trên biển vì đi tìm đất sống đã nói lên điều đó.
Cho đến khi đất nước rơi vào hoàn cảnh khó khăn cùng cực, hết đường xoay sở, nhà cầm quyền mới "đổi mới" chấp nhận làm ăn theo cơ chế thị trường đồng thời trả lại cho người dân một số quyền tự do như quyền tư hữu, quyền tự do mưu sinh, tự do đi lại, tự do cư trú...để phục vụ cho sự vận hành của cơ chế thị trường. Vì nếu không tư hữu, không tự do đi lại, không tự do cư trú, không tự do mưu sinh thì không thể nào làm cho thị trường lưu thông được.
So với thời "quyền làm chủ tập thể", ngày nay, đời sống người dân trở nên thoải mái hơn, một bộ phận dân chúng đã tăng cao thu nhập, bộ mặt xã hội nhờ vậy đã được cải thiện đáng kể.
Tuy vậy, người dân Việt Nam vẫn còn thiếu nhiều quyền tự do để trở thành con người bình đẳng với người dân của rất nhiều nước trên thế giới cũng như các nước trong khu vực.
Những người dân đã khai trí, hiểu mình bị mất những quyền gì và luôn luôn tìm cách đòi hỏi.
Không được ra báo tư nhân để thực thi quyền tự do ngôn luận, nhiều người dân đã thay thế bằng cách ra blog, ra web, vào mạng xã hội... để viết lên chính kiến của mình. Những trang nầy càng ngày trở nên lớn mạnh và uy tín đến mức trở thành một luồng truyền thông khác bên cạnh luồng truyền thông của nhà cầm quyền.
Nhà cầm quyền đang tìm mọi cách dẹp luồng truyền thông nầy, nhưng e rằng không thành công vì người dân đã biết quyền của mình đến đâu. Nhà xuất bản tư nhân cũng được nhiều người tự thành lập mà không cần xin phép nhà nước.
Không được cho phép biểu tình, người dân vẫn đi biểu tình vì họ biết rằng đây là quyền tự do phổ quát của họ, tự nhiên có, đã được hiến pháp công nhận, không cần phải xin xỏ ai. Biểu tình đòi lại đất, biểu tình chống bất công, biểu tình chống ngoại xâm... tuy bị nhà cầm quyền ngăn cấm, trấn áp nhưng vẫn cứ diễn ra khắp nơi.
Quyền hội họp, quyền lập hội cũng đang được nhiều người dân đòi lại quyết liệt dù họ phải bị trả giá bằng tù đày. Câu lạc bộ nhà báo Tự Do của anh Điếu Cày, nhóm 8604, nhóm Thức- Long- Định- Trung...là những ví dụ.
Tóm lại người dân Việt Nam trong thời đại thông tin bùng nổ đã biết tự khai trí, tự chấn khí để biết mình còn bị mất những gì và tự tin đòi lại những gì thiêng liêng thuộc về mình.
Cái gì của con người phải trả lại cho con người, hy vọng nhà cầm quyền đang được khai trí cũng hiểu ra điều đó.
Được đăng bởi HUYNH NGOC CHENH vào lúc 16:51
No comments:
Post a Comment