10/06/12 |
Con rồng Trung Cộng đã tỉnh giấc và sẽ làm dậy sóng biển Đông?
Vào ngay đầu thế kỷ 19, (1802), Napoléon có nói: “Con sư tử Tàu đang ngủ quên. Nếu nó thức giấc, thì thế giới sẽ lay chuyển.” Vào đầu cuối bán thế kỷ 20 (những năm 60), nhà chính trị, kiêm bình luận, văn sĩ Alain Peyrefitte, có viết quyển sách bán chạy nhất lúc bấy giờ ở Pháp, mang tựa đề “Khi nước Tàu tỉnh giấc.”
Ngày hôm nay, đầu thế kỷ thứ 21, nhiều người cho rằng con rồng Trung Cộng đã tỉnh giấc và sẽ làm dậy sóng biển Đông.
Có phải thế không? Chúng ta cùng nhau xem xét vấn đề.
I. Con rồng Trung cộng quả thật đã thức giấc
Không ai chối cãi rằng, từ ngày mở cửa kinh tế tới nay, Trung cộng có một sự phát triển kinh tế rất nhanh, đã giúp nước này trở thành cường quốc kinh tế thứ nhì trên thế giới, với tổng sản lượng tính theo khả năng mua bán (pouvoir d’achat) là gần 7 000 tỷ Mỹ kim, trên Nhật với gần 6 000 tỷ, chỉ thua Hoa kỳ là 15 000 tỷ, tuy nhiên sản lượng tính theo đầu người cũng tính theo khả năng mua bán, thì mới bằng 1/10 Hoa Kỳ, 1/9 của Nhật.
Với tổng sản lượng như vậy, Trung cộng có thể làm được nhiều chuyện. Ở đây tôi chỉ nêu lên một vài sự kiện như: Hiện Trung cộng là nước có dự trữ Đô la lớn nhất thế giới với 2 200 tỷ, có số công trái phiếu của Hoa kỳ đứng nhất nhì là 800 tỷ, có lúc hơn Nhật, nhưng cũng có lúc thua Nhật. Ngân sách quốc phòng hiện nay theo con số chính thức là 100 tỷ, có người dự đoán ở mức thấp là 120 tỷ, có người dự đoán ở mức cao là 140 tỷ; nhưng dù sao ngân sách quốc phòng này cũng đứng thứ nhì trên thế giới, chỉ sau Hoa kỳ là vào khoảng 600 tỷ, hơn Nhật là vào khoảng 50 tỷ.
Với những con số đó, cộng thêm với chính sách bành trướng truyền thống cố hửu của Tàu, con rồng Trung cộng đã quẫy quặng:
II. Con rồng Trung cộng quả thật đã quẫy quặng, làm dậy sóng biển Đông
Biển Đông giữ một vị trí chiến lược rất quan trọng đối với Trung cộng và các nước Đông Á, là nơi quy tụ những nguồn tài nguyên to lớn và là cửa ngõ của lục địa Trung cộng đi ra thế giới bên ngoài. Khu vực này cũng tập trung nhiều trục giao thông của những tuyến hàng hải quốc tế quan trọng nối liền Biển Đông với Ấn Độ Dương. Kinh tế của Trung cộng, Nhật Bản, Nam Hàn phụ thuộc rất nhiều vào những tuyến hàng hải này, chưa kể trữ lượng cá và nhiều hải sản quý.
Những hành động ngông cuồng của Trung cộng từ thập niên 70 đã ngày càng phơi bày dã tâm độc chiếm biển Đông. Vào ngày 19.01.1974, lợi dụng thời điểm Hoa Kỳ rút quân khỏi miền nam Việt nam, Trung cộng đã dùng vũ lực tấn công chiếm đảo Hoàng Sa, vào thời điểm này còn thuộc chủ quyền của Việt nam Cộng hòa. Ngày 14.03.1988 lại tấn chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa; năm 1995 Trung cộng cũng dùng vũ lực chiếm đóng đảo Vành khăn thuộc chủ quyền của Phi Luật Tân.
Trong năm 2011 Trung cộng càng hung hăng hơn và đã không ngừng liên tục khuấy động Biển Đông. Ngày 26.05, 3 tàu hải giám của Trung cộng đã công khai xâm nhập lãnh hải Việt Nam, phá hoại thiết bị và cản trở tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 2 đang hoạt động tại vùng biển miền Trung. Ngày 09.06, 1 tàu thăm dò dầu khí khác của Việt Nam cũng bị tàu Trung cộng tấn công và phá hoại thiết bị.
Trung cộng không dấu được tham vọng bá quyền Biển Đông khi chính quyền tỉnh Quảng đông đưa ra bản đồ 9 đoạn còn được gọi là bản đồ lưỡi bò chiếm gần hết 90% diện tích Biển Đông vào năm 1947 và giờ đây Trung cộng đang tìm đủ mọi cách kể cả những hành động côn đồ nước lớn, bất chấp luật lệ Quốc tế, nhằm mục đích kiểm soát toàn bộ Biển Đông.
Biển Đông lại một phen nổi sóng vào ngày 08.04.2012 khi máy bay do thám của hải quân Phi phát hiện nhiều tàu đánh cá của Trung cộng xâm phạm khu vực bãi cạn Scarborough nằm trong hải phận của Phi Luật Tân. Tàu chiến lớn nhất của Phi Luật Tân đã được gửi tới kiểm tra tàu Trung cộng, kết quả là đã phát hiện trên tàu nhiều hải sản quý như san hô, sinh vật biển và cả cá mập còn sống.
Ngay lúc đó 2 tàu hải giám của Trung cộng đã xuất hiện và ngang nhiên chắn giữa tàu chiến của Phi Luật Tân để các tàu đánh cá của Trung cộng tẩu thoát. Hơn một tuần sau, vào ngày 17.04, tàu nghiên cứu khảo cổ của Phi Luật Tân lại bị tàu hải giám và máy bay tuần tra của Trung cộng quấy nhiễu tại bãi cạn Scarborough.
Khi sự việc xảy ra Trung cộng lại tiếp tục gửi ra vùng tranh chấp 1 số lượng lớn tàu đánh cá để áp đảo không cho tàu của Phi Luật Tân đến gần bãi cạn Scarborough, đồng thời dùng ngoại giao cảnh báo các cường quốc không được can thiệp, dùng sức mạnh kinh tế, dùng cả mặt trận báo chí hăm dọa có thể xảy ra cuộc chiến vũ trang nhằm áp đảo tinh thần chính phủ và nhân dân Phi Luật Tân.
Trung cộng đã gặp phải phản ứng ngược, chính phủ Phi Luật Tân đã mạnh dạn tố cáo hành vi sai trái của Trung cộng, các cuộc biểu tình đông đảo, khí thế bất khuất của dân chúng Phi đã làm lộ rõ dã tâm và tham vọng bá quyền của Trung cộng.
Hành động ngăn chận nguồn xuất cảng của Phi qua Trung cộng và không cho dân chúng qua du lịch càng làm cho các nước Á châu e dè và xét lại chính sách và mục tiêu “Phát triển Hòa bình” của Trung cộng. Song song, mặc dù không chính thức, nhưng các cường quốc cũng có những động thái ủng hộ và yểm trợ Phi Luật Tân. Ngay khi xảy ra tranh chấp, tướng chỉ huy lực lượng thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tại Thái bình Dương, trung tướng Duane Thiessen, tuyên bố công khai sẽ bảo vệ Phi Luật Tân vì Hoa Kỳ và Phi có hiệp ước quốc phòng chung.
Ngoài ra Hoa Kỳ tiếp tục tiến hành tập trận chung và cam kết tăng viện trợ quân sự cho Phi Luật Tân gấp 3 lần trong năm nay. Nhật Bản đã bãi bỏ chính sách hạn chế bán vũ khí và có chương trình cung cấp tàu tuần tra và huấn luyện lực lượng bảo vệ biển cho Phi Luật Tân. Ấn Độ cũng gửi 4 tàu chiến đến Biển Đông trên hành trình 2 tháng đến Nhật Bản; Úc cũng có những động thái tương tự.
Trước tinh thần tự chủ của nhân dân và tài lãnh đạo khôn khéo của chính phủ Phi Luật Tân cùng các phản ứng bất lợi của Quốc tế, Trung cộng đã phải dịu giọng xuống nước.
Nhưng hiện tại Trung cộng vẫn còn tranh chấp với nhiều nước về Biển Đông, trong đó có Việt Nam, Brunei, Mã Lai, Phi Luật Tân, Đài Loan và hành động ngang ngược của Trung Cộng đã thúc đẩy các nước Đông Nam Á cũng như các nước Nhật Bản, Ấn Độ, Nam Hàn, Đài Loan gia tăng vũ trang. Ngày nào Trung cộng chưa hành Xử như một cường quốc trưởng thành thì Biển Đông sẽ còn nhiều nguy cơ nổi sóng.
III. Con rồng Trung cộng vẫn là con rồng bệnh hoạn
Tuy nhiên con rồng Trung Cộng còn mắc nhiều bệnh trong lục phủ ngũ tạng, vì ăn phải lý thuyết Mác Lê, vì đi theo kinh tế thị trường một cách man dại, nên sự quẫy quặng của nó cũng rất có giới hạn, có làm dậy sóng, nhưng không phải là những sóng khổng lồ, có thể làm sai lệch bàn cờ thế giới, mà chỉ có thể đe dọa và làm ngộp thở những tiểu quốc chung quanh.
Thật vậy, con rồng Trung cộng đã thức tỉnh, nhưng con rồng này vẫn còn nhiều bệnh hoạn, mà theo tôi, thì vì nó ăn phải 2 loại độc dược cực kỳ mạnh: Đó là đi theo chủ thuyết Mác Lê, một thứ cặn bã của văn hóa Tây phương và đi theo kinh tế thị trường Tây phương một cách man dại và rừng rú.
Vì ăn phải cặn bã của văn hóa Tây phương là lý thuyết Mác Lê
Trong bài trước, tôi đã nói tư tưởng Mác Lê chỉ là cặn bã của văn hóa Tây phương khi tôi nhắc đến 2 câu nói, một của đại văn hào Victor Hugo: “Bắt con đại bàng thành con chim chích, buộc con thiên nga thành con dơi; bỏ tất cả mọi người vào trong một giỏ rồi xóc, để cho ai cũng như ai; đó là cộng sản.
Và đó là điều mà tôi không thích”; hai là câu nói của J. Proudhon, người đã từng bút chiến với Marx, khi ông viết quyển “Triết lý của sự nghèo đói” (Philosophie de la misère), thì Marx viết trả lời lại “Sự nghèo nàn của triết lý” (Misère de la philosophie), cũng như Marx coi Proudhon là người có cái nhìn về triết lý kinh tế sắc bén; tuy nhiên Proudhon có nói về lý thuyết Marx, rằng nếu lý thuyết này được áp dụng, thì nó trở thành con sán lãi của xã hội, mà ngày hôm nay chúng ta thấy qua đảng cộng sản.
Ở những nước tự do khác, người ta chỉ thấy 1 chính quyền, do dân bầu ra, ăn lương đến từ thuế đóng của dân, nay ở những nước cộng sản, có 2 chính quyền, một là đảng cộng sản, 2 là chính quyền chánh thức, đều ăn lương đến từ sự đóng thuế của dân. Đảng cộng sản không là con sán lãi, thì là cái gì?
Trong bài này tôi xin nói thêm chủ nghĩa Mác Lê là cặn bã của văn hóa Tây phương trên phương diện chính trị, chính thể:
Thật vậy, nước Anh mặc dầu ngày hôm nay vẫn còn Nữ hoàng như chúng ta thấy, nhưng trên thực tế nước này đã làm cuộc cách mạng dân chủ từ giữa thế kỷ thứ 17, để tiến tới chế độ quân chủ lập hiến hay đại nghị; nước Hoa Kỳ đã làm cuộc cách mạng dân chủ từ cuối thế kỷ 18 (1776); cuộc Cách mạng Pháp 1789, mặc dầu có sự thăng trầm của nó, nhưng bản chất chính vẫn là đi đến một chế độ dân chủ.
Trong khi đó, thì Marx, trong quyển Tuyên Ngôn Thư Đảng Cộng sản, tôi lấy quyển sách tiêu biểu mà phần lớn những người cộng sản đều biết, lại chủ trương trở về độc tài; mặc dầu Marx dấu diếm dưới nhãn hiệu là độc tài vô sản (Dictature prolétarienne).
Ở điểm này chúng ta mới thấy lý thuyết của Marx vừa không khoa học, giản tiện hóa mọi việc, hồ đồ và ảo tưởng.
Giản tiện hóa, đó là qui tất cả những nguyên nhân vào nguyên nhân kinh tế, chia xã hội thành 2 giai cấp, trên thực tế thì xã hội gồm nhiều giai tầng, từ đó Marx cho rằng giai tầng thợ thuyền nổi lên làm cách mạng vô sản (độc tài vô sản), để bãi bỏ quyền tư hữu, một khi quyền tư hữu bị bãi bỏ, thì xã hội không còn giai cấp, nhà nước tức chính quyền sẽ tự biến mất.
Danh từ mà Marx và Engels dùng, nhất là Engels, trong quyển Anti – Durhing, là “Nhà nước tự tắt”(L’Etat s’éteint), tự biến mất. Đây là tính chất vô cùng ảo tưởng của lý thuyết Marx.
Cho tới ngày nay, gần 100 năm thực hiện lý thuyết cộng sản, người ta không thấy nhà nước tự tắt, mà chỉ thấy nhà nước cộng sản càng ngày càng phình ra, to lớn hút hết chất béo của dân, của xã hội, như Proudhon đã từng tiên đoán.
Đi theo tư tưởng của Marx, Lénine lập lên nhà nước độc tài đảng trị, độc đảng. Ở điểm này Lénine cũng đi trái lại lời nói của Marx là cách mạng cộng sản chỉ có thể xảy ra ở những nước kỹ nghệ, trong khi nước Nga lúc đó là còn ở trong tình trạng phần lớn là nông nghiệp. Hơn thế nữa Marx không bao giờ chủ trương độc đảng.
Chính Marx viết trong Tuyên ngôn thư: “Người cộng sản không bao giờ thành lập một đảng khác và trái với những đảng thợ thuyền khác” (Marx – Manifeste du Parti communiste – trang 42 –www.librio.net).
Về việc nắm quyền của Lénine, những người cộng sản, chuyên viên về vấn đề bóp méo và làm sai trệch lịch sử, cứ rêu rao là Lénine làm cách mạng cộng sản, với sự tham dự của thợ thuyền và lật đổ chế độ Nga hoàng. Nhưng không phải như vậy. Nga hoàng đã thoái vị, chính quyền bị Lénine lật đổ, thật ra là Trotski làm cuộc đảo chánh, là Kérenski.
Lénine và Trotski, sau khi lật đổ Kérenski, đã thành lập lên một chính quyền độc tài đảng trị, là một chế độ độc tài tàn bạo và xấu xa nhất trong những chế độ độc tài, vì chế độ độc tài quân chủ chỉ phần lớn quanh quẩn ở triều đình và những người theo chế độ quân chủ còn là những người tôn trọng nghĩa khí, danh dự.
Đằng này chế độ quân chủ độc đảng đi tận xuống thôn cùng, ngõ hẻm; và những người độc tài phần lớn là những kẻ du thử, du thực, đâm cha, chém. chú, không có một tý gì là đạo đức căn bản của con người.
Chúng ta chỉ nhìn những tin tức mới nhất về 2 chế độ cộng sản còn lại là Trung Quốc và Việt Nam, qua internet, thì chúng ta thấy rõ bản chất của chế độ độc tài này: từ vụ Bạch Hy Lai, mà người vợ của hắn giết một người Anh, vì vấn đề tiền bạc, rồi chính họ Bạc định giết ngay tay em của mình là Vương Lập Quân, khiến ông này phải bỏ trốn vào tòa Tổng lãnh sự Hoa kỳ, đến sự việc hàng ngày như một em bé bị đụng xe, mà mọi người làm ngơ, người tài xế kế tiếp không ngần ngại cán lên người em bé để chạy tiếp.
Ở Việt Nam cũng không khác, con gái cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, mới viết thư tố cáo bố và người vợ lẽ của bố mình (theo Danlambao – ngày 29/5 – internet), đến việc một cô gái, Trần Thị Cẩm Thu (ấp Tân Phú, xã Tân Hương, Việt Nam) vì ghen tị, vì một vài lý do nhỏ khác, đã không ngần ngại cầm dao giết người bạn từ hồi nhỏ của mình, và thản nhiên điện thoại về cho mẹ: “Con đâm chết nó rồi” (Theo Cali Today – ngày 31/05 – internet).
Theo như nhiều người kể, thì cô Thu này, sau khi cầm dao đâm bạn, lại còn lau dao và gọt trái cây ăn.
Quả thật là man dại và rừng rú.
Phải chăng đây là sản phẩm đỉnh cao trí tuệ của xã hội cộng sản?
Trở về sự nắm quyền của cộng sản, từ Lénine cho tới các nước Đông Âu, Trung cộng và Việt Nam, đều là do ngoại bang đưa về, lợi dụng tình thế chiến tranh. Lénine cướp quyền được là vào lúc cuối Thế chiến thứ Nhất (1914 -1918).
Lúc đó đế quốc Đức đang phải đương đầu với 2 mặt trận: mặt trận phía đông với Nga của chính quyền Kérenski, mặt trận phía tây, mặt trận quan trọng, với Pháp. Đức muốn dồn lực lượng vào mặt trận này, nên đã đưa Lénine từ Thụy sĩ, trong một toa xe lửa bọc sắt, trong đó có ba người tình báo Đức nói tiếng Nga rất giỏi, về để cướp chính quyền.
Lénine về cũng mang những cái gì cặn bã của nền chính trị, thể chế Tây phương. Như trên đã nói, Tây phương lúc đó là đã có hay trên con đường tìm kiếm thể chế dân chủ như Anh, Hoa Kỳ, Pháp. Ngay cả những chế độ quân chủ như đế quốc Đức (Phổ), hay đế quốc Áo Hung hoặc xa hơn nữa là đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ, sau Thế chiến thứ nhất, những chế độ quân chủ này đều phải cáo chung, nhường chỗ cho chế độ dân chủ.
Ngược lại, thì Lénine lại tái lập chế độ độc tài quân chủ, mặc dầu lấy danh nghĩa là độc tài vô sản, nhưng trên thực tế còn độc tài, ác ôn, hiểm độc, vô danh dự, vô nhân cách gấp cả trăm lần độc tài quân chủ.
Đến sau Đệ Nhị Thế Chiến, thì những chế độ cộng sản được dựng lên ở Đông Âu là dưới gót giày quân đội chiếm đóng Liên Sô. Ở Trung cộng và Việt Nam, đảng cộng sản cướp được chính quyền phần lớn là nhờ Cộng sản Liên sô.
Chính vì vậy mà Đức Đạt Lai Lạt Ma có viết: “Cộng sản là loài cỏ dại mọc trên hoang tàn của chiến tranh, là loài trùng độc, sinh sôi nẩy nở trong rác rưởi của cuộc đời.”
Ông Yakolek, cựu Ủy Viên Bộ Chính Trị đảng Cộng sản Liên sô: “Giới lãnh đạo cộng sản là loài sâu bọ. Con mới đẻ nằm lên xác con già. Con già đè lên xác con trẻ. Nhưng trong đó có con khỏe nhất, leo lên được chỗ cao nhất. Tuy nhiên để đạt đến địa vị này, nó đã phải giẵm lên xác không biết bao con khác.”
Không nói xa, vừa qua, ông Tập Cận Bình, nhân vật thứ nhì, sắp lên nhân vật thứ nhất Đảng cộng sản Trung cộng, cũng nói: “Đảng cộng sản hiện nay là nơi qui tụ những thành phần xấu xa, vô trách nhiệm, ích kỷ nhất của nước Tàu.”
Sự kiện vụ vợ Bạc Lai Hy, lạm quyền, ức hiếp, giết rồi thủ tiêu một người Anh, đã từng chuyển cả tỷ $ ra nước ngoài cho bà, nhưng sau đó có sự xích mích; sự kiện con gái cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Nông Đức Mạnh, bà Nông Thị Bích Liên, viết thư tố cáo người vợ lẽ của bố, tham nhũng hối lộ, lạm dụng quyền thế; chỉ cần những sự kiện này cũng đã nói lên quá đủ sự thối nát, thối rữa từ trong xương tủy của chế độ cộng sản.
Vì đi theo kinh tế thị trường Tây phương một cách man dại và rừng rú
Đây là đề tài tôi đã viết nhiều lần, nhưng tôi nghĩ vẫn cần phải nhắc lại, vì hiện nay Trung cộng và Việt Nam vẫn tiếp tục đi theo một đường lối chính trị thương mại man dại rừng rú, không những với nước ngoài mà ngay cả chính với dân họ.
Một nhà nghiên cứu về Tàu, ông Jean Luc Domenach, hiện là giáo sư hợp tác (professeur assocìé) của trường Đào tạo cán bộ cao cấp của Trung Ương đảng cộng sản Trung quốc, có viết về giới lãnh đạo Trung cộng từ Trần Độc Tú, Lý Đại Siêu, Mao Trạch Đông, là những người này có một trình độ văn hóa thấp vào đầu thế kỷ 20, chưa hiểu thấu đáo cái hay, cái dở của cả văn hóa Đông lẫn Tây, chỉ nghĩ cần phải theo Tây phương, để theo kịp khoa học kỹ thuật, vứt bỏ cái hay của văn hóa đông phương.
Chính Mao nói câu: “Khổng tử chỉ là con chó giữ nhà cho chế độ phong kiến.” Điều không may lại cho rằng lý thuyết của Marx là khoa học. Nhưng thực ra lý thuyết này chẳng khoa học chút nào, mà lại là cặn bã của văn hóa tây phương.
Sau đó đến thời Đặng Tiểu Bình thì lại chủ trương đi theo kinh tế thị trường một cách quá lố, không coi trọng đạo đức nhân bản tối thiểu, theo khẩu hiệu: “Làm giàu là vinh quang”, “Mèo trắng, mèo đen, mèo nào cũng được, miễn sao bắt được chuột”, khiến dân Tàu hiện nay làm giàu bằng bất cứ giá nào, bất chấp thủ đoạn nào.
Đây là 2 độc dược làm cho con rồng Trung cộng, mặc dầu đã tỉnh giấc, nhưng còn bị đau trong lục phủ ngũ tạng, qua những cuộc đấm đá nội bộ, tranh quyền, giật ngôi.
Quả thật con rồng Trung cộng đã thức dậy, đã quẫy quặng. Sự quẫy quặng này đến từ 2 nguyên do chính:
Một là chính sách bành trướng cố hữu của người Tàu, mà nạn nhân thường là những tiểu quốc chung quanh như Tây Tạng, Việt Nam, Nam Dương, Phi Luật Tân v.v…
Hai là vì con rồng Trung cộng còn đang mắc phải nhiều bệnh trong lục phủ ngũ tạng, vì ăn phải độc dược là lý thuyết Mác Lê, chủ trương độc tài vô sản với Marx, rồi độc tài độc đảng với Lénine, vì ăn phải cặn bã của kinh tế thị trường, cho rằng để buôn bán, để kiếm lời thì bất cần thủ đoạn, ăn gian, nói dối, lường gạt, làm hàng giả, bỏ hết những nguyên tắc căn bản của đạo làm người.
Chính vì lẽ đó mà sự quẫy quặng của con rồng này cũng có giới hạn, có làm dậy sóng biển Đông, song những cuộn sóng này cũng chưa có thể làm sai lệch bàn cờ thế giới. Mặc dầu vậy, nó cũng đe dọa trầm trọng những nước chung quanh. Bằng cớ là Việt Nam và Phi Luật Tân hiện nay. Trung cộng xâm đất, lấn biển Việt Nam và hiện gởi cả trăm tàu chiến đến vùng Biển Cạn (Scarborough) giữa Phi Luật Tân và Trung cộng.
Nhưng giới lãnh đạo Phi đã có một đường lối chính trị đối phó rất là khôn ngoan từ quốc nội, đến quốc ngoại. Về quốc nội, họ đã trông cậy vào lòng yêu nước của dân, để có dân được tự do bày tỏ lòng yêu nước của mình qua những cuộc biểu tình chống Trung cộng. Về quốc ngoại họ đã biết chọn bạn mà chơi, chọn đồng minh mà liên kết.
Chỉ có Việt Nam hiện nay, vì xui xẻo nhất thời, mắc vào nạn cộng sản, với những lãnh tụ vọng ngoại như Hồ Chí Minh: “Tôi không có tư tưởng gì cả. Tư tưởng của tôi đã có Staline và Mao trạch Đông nghĩ hộ”. Hay một số sĩ phu trí thức hèn mạt, kiểu: “Hôn cho anh nền tảng đá công trường, nơi vĩ đại Lénine thường dạo bước.”
Chính vì vậy mà Việt Nam mới bị lâm vào cảnh bán đất nhượng biển, giới lãnh đạo xu phụng Trung cộng, như trường hợp Hội nghị Thành Đô vào tháng 3/ 1990. Giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam bắt bỏ tù ngay cả những nhà yêu nước, những người biểu tình chống sự bành trướng của Trung cộng.
Tuy nhiên lịch sử gần 5 000 năm dựng nước và giữ nước, dân Việt đã bao lần đánh Tống, bình Chiêm, kháng Minh, đuổi Thanh, đã từng đánh bại đế quốc Mông Cổ, mạnh nhất vào thế kỷ thứ 13, cũng nhờ chính sách lấy lòng dân làm gốc, qua hội nghị Diên Hồng, lấy giới sĩ phu yêu nước làm cột trụ, qua hội nghị Bình Than.
Ngày nào còn chế độ cộng sản, ngày đó dân Việt còn phải chịu nhiều đau khổ, trong đó có những đòn do sự quẫy quặng của con rồng Trung cộng.
Dân Việt và nhất là giới sĩ phu yêu nước hãy ý thức rõ điều này (*).
Paris ngày 07/06/2012
Chu Chi Nam
No comments:
Post a Comment