Popular Posts

Saturday, June 2, 2012

THỬ ĐỀ NGHỊ MỘT PHƯƠNG PHÁP CHẤM CÂU & ĐÁNH DẤU TIẾNG VIỆT CHO TRANG MẠNG

Thân kính gởi quý vị để xin ý kiến.

Lý Văn Quý

 

 

 

THỬ ĐỀ NGHỊ MỘT PHƯƠNG PHÁP CHẤM CÂU & ĐÁNH DẤU TIẾNG VIỆT CHO TRANG MẠNG

 

Lời nói đầu

 

Sau một thời gian làm công việc hiệu đính cho một số trang mạng tiếng Việt, chúng tôi nhận thấy có nhu cầu phải có một phương cách chấm câu nào đó khả dĩ được nhiều người chấp nhận nhất nhằm giúp cho việc hiệu đính của các ban biên tập được dễ dàng hơn.

 

Do đó, chúng tôi xin mạn phép đề nghị một số tiêu chuẩn để đánh dấu và chấm câu cho tiếng Việt dựa vào những điều như sau:

 

-Thói quen viết quốc ngữ ngày nay, so sánh với thói quen thời trước.

 

-Sự hợp lý và tiện lợi khi đề ra những tiêu chuẩn này.

 

-Tiêu chuẩn APA (American Psychological Association) đã được hầu hết các trường đại học tại Hoa Kỳ và trên thế giới chấp nhận để làm các công việc khảo cứu bằng tiếng Anh. APA cũng là một trong những tiêu chuẩn hiện được chương trình Microsoft Word áp dụng trong chức năng thiết lập danh sách tài liệu tham khảo tự động.

 

Kính mong được sự góp ý của mọi người.

 

*

 

Sau đây là một số trường hợp mà chúng tôi nhận thấy các tác giả thường chưa thống nhất với nhau về cách viết tiếng Việt trên trang mạng.

 

1. Cách sử dụng khoảng cách giữa các từ ngữ với nhau (space, punctuation)

 

-Thông thường là 1 khoảng cách (space) giữa các từ ngữ với nhau.

 

-Các dấu như dấu chấm (.), dấu phết (,), chấm phết (;), dấu hỏi (?), dấu than (!), dấu hai chấm (:), các dấu mở ngoặc đơn hay ngoặc kép, v.v... được đặt ngay đằng trước hay đằng sau từ ngữ mà không có khoảng cách. Ví dụ:

 

Chúng tôi (anh và tôi) muốn sống. Không viết: Chúng tôi ( anh và tôi ) muốn sống .

 

-Sau các dấu chấm kể trên, để một khoảng cách mà thôi. Ví dụ:

 

Chúng tôi, muốn sống. Không viết: Chúng tôi,  muốn sống .

 

Giải thích lý do: Nếu những dấu chấm, dấu phết… không nằm sát đằng sau từ ngữ thì sẽ có thể xảy ra trường hợp computer ngắt dòng sai, mang dấu chấm, dấu phết… xuống đầu hàng dưới. Cũng để tránh tình trạng này, dấu mở và đóng ngoặc đơn hay ngoặc kép phải được đặt sát từ ngữ nằm bên trong ngoặc. Ngoài ra, nếu vô tình hay cố ý để nhiều khoảng cách trắng (blank space) giữa các chữ, khi computer so lề phải cho thẳng hàng sẽ kéo chúng dãn ra, những chữ vì thế sẽ đứng rời rạc.

 

2. Dấu chấm câu trong ngoặc kép ("...")

 

-Có 2 phương pháp đánh dấu trong ngoặc kép, theo lối British style (và Âu Châu nói chung) là bỏ dấu ngoài hay trong ngoặc kép tùy theo nội dung và ý nghĩa của câu văn, và theo lối American style là luôn luôn bỏ dấu ở trong ngoặc kép.

 

-Lối British style (hiện còn sử dụng trong những văn thư có tính cách pháp luật) có qui tắc là nếu dấu chấm câu thuộc nội dung của câu văn, ví dụ: Anh ba nói: "Anh ăn cơm chưa?" thì dấu chấm hỏi nằm ở trong ngoặc kép. Nếu dấu chấm không thuộc nội dung của câu văn thì lại nằm ở ngoài. Ví dụ: Tôi đáp: "Tôi ăn cơm rồi".

 

-Có lẽ vì những rắc rối kể trên nên lối American style qui định bỏ tất cả những dấu chấm vào trong ngoặc kép. Một lý do giải thích qui tắc này nữa là vì thời xưa khi làm bản vỗ in bằng kim loại, dấu chấm (.) và dấu phẩy (,)dễ bị gãy hoặc méo nếu để ngoài dấu (") vì sẽ có một khoảng trống tiếp theo đó. Vì vậy các nhà in typography bỏ vào trong cho tiện.

 

-Chúng tôi xin đề nghị sử dụng theo lối thứ hai (American style) vì tiện lợi và hầu hết các sách báo, công trình nghiên cứu của các trường đại học viết bằng tiếng Anh đều sử dụng qui tắc này.

 

-Như vậy, các dấu như dấu chấm (.), dấu phết (,), dấu hỏi (?), dấu than (!),  ở tận cùng sẽ được đặt trong ngoặc kép, không đặt ngoài ngoặc kép. Ví dụ:

 

"Chúng tôi muốn sống." Không viết "Chúng tôi muốn sống".

 

 

 

3. Sử dụng 3 chấm (...), 3 dấu than (!!!) hoặc 3 chấm hỏi (???)

 

-Hạn chế sử dụng nhiều hơn 3 chấm hay 3 chấm than trừ phi trong những trường hợp thật đặc biệt muốn nhấn mạnh. Ví dụ:

 

Chúng tôi muốn sống!!! Không viết: "Chúng tôi muốn sống!!!!!" hoặc "Chúng tôi muốn sống......" hoặc "Chúng tôi muốn sống????"

 

4. Sử dụng gạch nối

 

-Tiếng Việt ngày xưa (cho tới đầu thập niên ‘60) rất thường sử dụng gạch nối cho những chữ kép và tên riêng. Ví dụ: Trường Y-khoa, băn-khoăn, buồn-bã, Nguyễn-văn-Quang, v.v...

 

-Tuy nhiên khi máy chữ đã trở thành thông dụng, người ta nhận ra là gạch nối làm giảm tốc độ đánh máy và làm người đánh máy mệt hơn. Khi sắp chữ và sửa bản vỗ (morasse), gạch nối cũng làm tốn thời gian rất nhiều. Vì thế người ta có khuynh hướng  bỏ dần hoặc hạn chế việc dùng gạch nối như kể trên, đưa đến lối viết hiện nay là không còn gạch nối nữa, trừ một số trường hợp thật đặc biệt muốn nhấn mạnh sự liên quan giữa các chữ với nhau. Ví dụ: Y-Võ-Nhạc, hoặc Y-Nha-Dược, v.v... Theo ý tôi, chúng ta cũng nên theo quy tắc bất thành văn này.

 

5. Sử dụng chữ hoa

 

-Nguyên tắc chung là những tên riêng hoặc có ý nghĩa tên riêng được viết Hoa từng chữ một. Ví dụ: Nguyễn Văn Quang, không viết Nguyễn văn Quang.

 

-Họ Việt thường chỉ có một chữ nhưng nếu là hai chữ thì nên viết có gạch nối. Ví dụ: Phạm-Gia Cổn hay Hoàng-Cơ Lân. Tuy nhiên, để tiện lợi, viết không có gạch nối cũng được vì người đọc khó biết chữ thứ nhì là họ hay là tên lót.

 

-Một số cụm chữ có ý nghĩa tên riêng nên được viết chữ Hoa từng chữ như: Trường Quân Y, Sư Đoàn Nhẩy Dù, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Không viết Trường Quân y, Sư đoàn nhẩy dù, hay Quân lực Việt nam Cộng hòa...

 

-Đối với những cụm từ không có ý nghĩa tên riêng thì nếu cần, chỉ viết hoa chữ đầu (dù không phải là đầu câu). Ví dụ: Y sĩ Đại tá Hoàng Cơ Lân là cựu Chỉ huy trưởng Trường Quân Y Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

 

6. Cách ngắt đoạn trên trang mạng

 

-Khác với cách viết thông thường, các trang mạng nên cố gắng sử dụng xuống hàng và bỏ một hàng càng nhiều càng tốt.

 

-Chúng tôi nhận thấy các trang mạng tiếng Anh thường xuống hàng và bỏ một hàng chỉ sau một hay hai câu. Điều này giúp cho bài viết được sáng sủa, không làm mỏi mắt người xem.

 

-Người đọc bài trên mạng có khuynh hướng đọc thật nhanh, với mục đích  nắm bắt ý chính chỉ qua một cái liếc mắt. Một đoạn văn dài quá sẽ không hấp dẫn người đọc, họ sẽ không đọc tiếp hay bỏ đi, bài viết vì thế trở nên mất tác dụng. Người viết bài cho các trang mạng cũng nên biết sự khác biệt giữa báo mạng mang tính thông tin và báo giấy (hay báo mạng mang tính chuyên khoa) để dùng cách hành văn và ngắt đoạn thích hợp cho từng loại bài.

 

7. Sử dụng tài liệu tham khảo (References)

 

Sử dụng tài liệu tham khảo (References) theo đúng qui tắc APA giáo khoa khá phức tạp và cầu kỳ, chúng tôi xin đề nghị một phương pháp đơn giản hơn:

 

-Liệt kê các sách, tạp chí, trang mạng đã tham khảo ở cuối bài viết.

 

-Thứ tự chi tiết liệt kê là: tên tác giả, năm, tên sách (viết nghiêng), lần xuất bản (nếu có), và nhà xuất bản. Ví dụ:

 

Venes, D. (2001). Taber's cyclopedic medical dictionary (19th ed.). Philadelphia: F.A.

Davis Company.

 

Nếu tác giả là người Việt, có thể viết:

 

Trần Văn Tích (1993). Nho Y Nguyễn Đình Chiểu (tái bản lần thứ hai). Nhà xuất bản An Tiêm.

 

-Nếu là trang mạng không có tên tác giả, viết tên của trang mạng, năm, tựa bài (viết nghiêng), truy cập ngày. Ví dụ:

 

National Osteoporosis Foundation. (2004). Fast facts. Retrieved October 15,

2004, from http://www.nof.org

 

Nếu là trang mạng tiếng Việt, có thể viết:

 

Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y (2012). Thư mời tham dự Đại Hội Y-Nha-Dược Sĩ Việt Nam kỳ VIII. Truy cập ngày 26-6-2012 tại:

http://www.svqy.org/6-2012/daihoiMelbourne.html

 

-Có thể đánh dấu trích dẫn trong bài viết bằng những dấu hiệu như (*) (**) (***), (1) (2) (3) hoặc [1] [2] [3]...

 

Tham Khảo

 

Cornell University Library (2012). APA Citation Style. Truy cập ngày 27/5/2012 tại: http://www.library.cornell.edu/resrch/citmanage/apa

 

GrammarBook.com (2012). English Rules. Truy cập ngày 27/5/2012 tại:  http://www.grammarbook.com/english_rules.asp

 

Grammar.ccc.commnet.edu (2012). Quotation Marks. Truy cập ngày 30/5/2012 tại: http://grammar.ccc.commnet.edu/grammar/marks/quotation.htm

 

Wikipedia (2012). Quotation mark. Truy cập ngày 27/5/2012 tại: http://en.wikipedia.org/wiki/Quotation_mark

 

Wikipedia (2012). Space (puntuation). Truy cập ngày 27/5/2012 tại: http://en.wikipedia.org/wiki/Space_(punctuation)

 

No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List