(05/26/2012)
Tác giả : Vi Anh
Memorial Day là Ngày Chiến Sĩ Trận Vong là ngày lễ có tính truyền thống và lịch sử của liên bang Mỹ, cử hành trên tòan quốc vào ngày Thứ Hai cuối cùng của tháng 5 hằng năm. Theo nghi thức quốc kỳ Mỹ được treo rũ cho quá ngọ giờ địa phương, người Mỹ đi viếng nghĩa trang tử sĩ và các tượng đài tử sĩ Mỹ để tưởng niệm. Ngày lễ Chiến sĩ Trận Vong cũng được người Mỹ xem là ngày bắt đầu mùa hè kéo dài tới ngày Lễ Lao Động vào đầu tháng 9.
Bản tính dân tộc Việt là trọng tình, trọng nghĩa, ơn phải đền nghĩa phải trả. Nên vào Memorial Day hay Ngày Chiến Sĩ Trận Vong này, người Mỹ gốc Việt chẳng những tưởng niệm quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa vì dân chiến đấu, vì nước hy sinh đã bỏ mình trong cuộc chiến đấu tự vệ chánh đáng dể bảo vệ Việt Nam Cộng Hòa mà còn tưởng niệm quân nhân đồng minh Mỹ, 58,159 tử trận và 1,719 mất tích trong khi góp sức cùng chiến đấu cho tự do dân chủ cho quốc gia dân tộc VN.
Một sự thật đáng mừng qua việc người Mỹ gốc Việt trả ơn đất nước và nhân dân Mỹ. Số người Mỹ gốc Việt thế hệ một rưỡi và hai con em của gia đình quân dân cán chính VNCH di tản qua Mỹ đã tình nguyện vào quân đội Mỹ khá nhiều. Tình nguyện vào quân đội, đem mạng sống của mình để bảo vệ nước Mỹ và người Mỹ ở quốc nội và quyền lợi, niềm tin nước Mỹ ở hải ngọai, là hành động trả ơn cao cả và dũng cảm nhứt.
Có người đã lên cấp đại tá, chỉ huy lữ đòan nhảy dù thiện chiến của Mỹ. Số quân nhân Mỹ gốc Việt này đã thành lập được một hội đoàn mệnh danh Quân Nhân Mỹ Gốc Việt Trong Quân Lực Hoa kỳ (Vietnamese Americans Armed Forces Association) www.vaafa.org. Hội Quân Nhân Mỹ Gốc Việt Trong Quân Lực Hoa Kỳ ra mắt cộng đồng ngày 31 tháng 5, trong một buổi lễ tại Tượng Đài Chiến sĩ Việt Mỹ ở Westminster và trong một buổi tiệc đông nhứt chưa từng thấy ở nhà hàng Paracel, Little Saigon.
Ơn nghĩa của cộng đồng và xã hội đối với những người chiến sĩ nam nữ đã hy sinh những ngày hoa mộng của mình, nghe theo lời kêu gọi của Tổ Quốc, xả thân trong việc bảo quốc an dân, bảo vệ quyên lợi của đất nước nhân dân, việc trả ơn không phải đơn thuần chỉ là những lễ lộc có tính sân khấu, làm tin cho báo đăng, truyền hình quây.
Tuy người Mỹ gốc Việt tỵ nạn CS ở Mỹ còn chân ướt chân ráo, không còn chánh quyền quốc gia, nhưng là một sắc tộc trọn tình trọn nghĩa với thương phế binh VNCH. Trong các công tác gây quỹ, việc gây quỹ giúp cho thương phế binh còn kẹt ở nước nhà là thu đạt kết quả cao nhứt, lớn nhứt. Vì đại đa số quan niệm đó không phải là công tác từ thiện, mà là nghĩa vụ của đồng đội đối với đồng đội, nghĩa vụ của dân cán chính VNCH đối với quân nhân như cá với nước.
Ngày Chiến sĩ Trận Vong đúng nghĩa không phải để chỉ tưởng niệm người đã hy sinh cho Tổ Quốc, mà còn nhắc nhở cần phải đãi ngộ xứng đáng những chiến sĩ còn sống đang tại ngũ hay đã giải ngũ, lành lặn hay bị thương tật.
Nhưng thực tế khá phũ phàng ở Mỹ. Người ta thấy Lễ Chiến sĩ Trận Vong dài ba ngày cuối tuần, trừ một vài nơi như nghĩa trang, tượng đài chiến sĩ, thì có lễ lộc, có nhân viên chánh quyền, quân nhân và cựu quân nhân tham dự. Nhưng đại đa số dân chúng Mỹ còn lại thì lo đi mua sắm, tổ chức nướng thịt ăn chơi ngoài sân hay ngâm mình trong hồ tắm, chơi thể thao, hay kéo nhau đi ăn nhậu ở nhà hàng.
Trong khi đó theo sưu khảo mới nhứt của RAND Corporation từ ngày cuộc khủng bố 911 xảy ra số quân nhân Mỹ bị thương tật vì Chiến tranh Afghanistan và Iraq, tính ra hơn nửa triệu người. Bên cạnh số quân nhân bị thương tật cơ thể, số bị chấn thương tâm lý là 328,000 người và hậu chấn thương tâm lý như căng thẳng tâm thần, trầm cảm, âu lo là 300,000 người. Một tỷ số đáng lọ: cứ 5 ngưòi thì 1 người bị!
Còn số người trở về ai may mắn được vật chất tinh thần lành mạnh, thì cuộc sống hàng ngày rất khó khăn, tay làm hàm nhai có khi không đủ cho gia đình ngày này qua ngày nọ, ngay trên quê cha đất tổ của mình – là Mỹ. Khi mọi người Mỹ lo âu về cơn khủng hoảng nhà cửa và thất nghiệp những cựu quân nhân này có nhiều thứ phải lo nhiều hơn, lo làm sao đủ ăn, có chỗ che nắng, che mưa cho mình và cho vợ con. Rất nhiều cựu quân nhân bị thất nghiệp. Rất nhiều cựu quân nhân không có nhà.
Thiết nghĩ trong xã hội tự do, dân chủ, về chánh trị có người ủng hộ chiến tranh và có người chống. Nhưng có một điều cả hai lập trường cần phải phân biệt là chiến sĩ khác với chiến tranh. Quân nhân Mỹ là những người tình nguyện được chánh quyền hợp hiến, hợp pháp, nhơn danh nhân dân và quân đội điều động ra chiến trường. Quân nhân là những người tuân hành quân lịnh. Còn chiến tranh là do chánh quyền quyết định. Không vì lý do chống chiến tranh mà không ủng hộ chiến sĩ.
Nhưng rất đáng than phiền và đáng buồn, là những người chiến sĩ này sau khi đi xa đánh trận, trở về nước nhà, chưa được chánh quyền và nhân dân đãi ngộ xứng đáng. Đặc biệt là đối với những quân nhân bị chấn thương tâm thần lâu dài. Cả nước Mỹ diện tích gần 10 triệu cây số vuông, dân số hơn 300 triệu, mà chỉ có bốn trung tâm phục hồi chấn thương tâm thần cho cựu quân nhân. Cựu quân nhân bị thương tật cơ thể và tâm thần rất khó khăn và tốn kém để đến trị. Cha mẹ, chồng vợ của những nam nữ quân nhân này có khi phải nghỉ làm việc để đưa và ở một bên để chăm sóc con em, chồng vợ bị thương tật khi chữa trị có khi kéo dài cả năm. Do vậy, vì sự sống của gia đình, những người thân đó thường phải đưa quân nhân bị thương tật vào chữa trị những bịnh viện ở thành phố nhà thôi.
Thiết nghĩ quốc gia dân tộc này, chánh quyền này, Quốc hội, Hành Pháp, Bộ Quốc Phòng, Bộ Cựu Chiến Binh, hai đảng Cộng Hoà đang đối lập lẫn Dân Chủ đang cầm quyền nước Mỹ này cần phải chiếu cố hơn nữa đối với cựu quân nhân bị thương tật. Tăng cưòng các cơ sở chữa trị, Theo dõi những người đã được trị. Tăng kinh phí để có thêm người săn sóc tại gia. Trả lương đầy đủ cho quân nhân khi chữa trị. Quốc Hội đã đi bước đầu khi trong năm 2007 đã chuẩn thuận một kinh phí là 900 triệu để chữa trị cho ngưòi bị chấn thương trong khi trị và sau khi trị.
Đãi ngộ xứng đáng chiến sĩ không có nghĩa làm những tác động sân khấu, làm tin cho báo chí, mà phải bằng hành động thiết thực có lợi thực tế và trực tiếp cho những quân nhân. Không phải ngày Lễ Chiến sĩ Trận Vong chỉ làm lễ, viếng mộ. Không phải chỉ đón quân nhân trở về bắt tay, tươi cười ở phi trường. Rồi sau đó viên chức chánh quyền, đại diện các đoàn thể cơ quan ai về nhà nấy lo sống riêng tư, Cựu chiến binh mang những thương tật bên mình, đem nỗi âu lo chăm sóc cho gia đình, còn những người Mỹ còn lại thì đi mua sắm, làm việc, vui chơi.
Tại sao Hành Pháp, Lập Pháp không đưa ra những ưu tiên cho cựu quân nhân, không giản dị thủ tục xin tiền cựu quân nhân, tạo dễ dàng cho con em cựu quân nhân được gởi nhà trẻ, được phụ giáo khi học hành. Tại sao không đi tìm những quân nhân trừ bị sau thời gian bị gọi vào quân đội xem coi khi trở về có được vào sở cũ làm hay không. Tại sao các công ty không dành ưu tiên tuyển dụng cựu quân nhân để đền ơn đáp nghĩa đối với những người con yêu của Tổ Quốc.
Có lẽ vì những câu hỏi tại sao đó mà quân nhân Mỹ gốc Việt thành lập Hội Quân Nhân Mỹ Gốc Việt Trong Quân Lực Hoa kỳ để tương trợ, ủy lạo nhau và hướng dẫn đàn em đang trên đường tình nguyện vào quân lực Mỹ. Và có lẽ đó cũng là lý do cộng đồng người Mỹ gốc Việt tham dự một buổi tiệc đông chưa từng thấy ở nhà hàng Paracel khi hội quân nhân Mỹ gốc Việt ra mắt cộng dồng Mỹ gốc Việt./.
Vi Anh
No comments:
Post a Comment