BA LAN - VIỆT NAM - TƯ PHÁP - Bài đăng : Thứ năm 07 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 07 Tháng Sáu 2012
Ba Lan : Khởi tố vụ án cưỡng bức lao động Việt Nam
Hai nữ công nhân vừa trốn thoát khỏi xí nghiệp may. Ảnh : Báo Đất Việt
Lê Hải / Trọng Thành RFI
Một công ty Ba Lan ở một thành phố nhỏ là Bydgoszcz bị cáo buộc là đã cưỡng bức công nhân may người Việt Nam lao động như nô lệ. Tư pháp Ba Lan vừa ra quyết định khởi tố vụ án. Thông tín viên Lê Hải tường trình từ Varsava.
|
"Đảng cộng sản Việt Nam kinh doanh ở Ba Lan"
"Đảng cộng sản Việt Nam kinh doanh ở Ba Lan", đó là dòng tít chạy ngang trang 5 trên tờ nhật báo lớn nhất Ba Lan là Gazeta Wyborcza. Nói một cách chính xác tựa đề này phải dịch là “đảng Việt Nam kinh doanh ở Ba Lan”, với chữ đảng không viết hoa và không có chữ cộng sản.
Xin nói thêm, có thể hiểu rằng, khi không dùng từ "đảng cộng sản", ban biên tập tờ báo tránh đưa câu chuyện đi xa thêm, vì luật pháp Ba Lan cấm mọi hoạt động liên quan với chủ nghĩa cộng sản trên lãnh thổ, cho nên nếu sử dụng chữ đảng cộng sản Việt Nam ở đây sẽ kéo theo nhiều căng thẳng nghiêm trọng hơn cho một vấn đề vốn đã gây rất nhiều tranh cãi.
Trước hết, câu chuyện được tờ nhật báo Wyborcza đã được đưa ra dư luận toàn quốc ở Ba Lan vào hôm thứ Hai đầu tuần này (04/06/2012) và kéo theo sau là một loạt các báo nhỏ chạy tin, cũng như bình luận trên đài truyền hình quốc gia TVP.
Sự việc là : Một công ty Ba Lan ở một thành phố nhỏ là Bydgoszcz bị cáo buộc là đã ép buộc công nhân may người Việt Nam lao động như nô lệ. Các cô gái bỏ trốn được, đã kể với phóng viên Ba Lan rằng, ngay cả việc đi vệ sinh của họ cũng bị khống chế về thời gian và có người mệt trong lúc làm việc thì còn bị ép uống rượu vodka, vì ông chủ nghĩ rằng như vậy sẽ ngay lập tức bình phục và làm việc tốt trở lại. Công nhân bị chủ lao động giữ hộ chiếu và liên tục đe dọa sẽ trục xuất, nếu không nghe lời, và không có cách nào khác hơn là bỏ trốn.
Theo tìm hiểu của riêng tôi, số công nhân này nhận được tiền lương mỗi tháng là 750 zloty tiền Ba Lan, tức qui đổi ra vào khoảng chưa đến 200 euro. Tính ra thì, tiền lương của họ không thể nào bù lại được chi phí quá cao trong quá trình xin việc và nhất là khoản nợ đã vay để đóng tiền thế chấp trước ngày sang đây.
Ông chủ cưỡng bức lao động là một dân biểu Ba Lan
Vụ việc này đang được chính phủ và dư luận Ba Lan đặc biệt quan tâm, vì trước hết ông chủ công ty này là Maciej Polakowski, một chính trị gia, dân biểu từ đảng PJN (tên đầy đủ là Polska Jest Najwazniejsza, dịch sang tiếng Việt là đảng "Ba Lan là quan trọng nhất"). Tên gọi này cho thấy đây là đảng theo xu hướng cực hữu.
PJN không phải là đảng lớn, nhưng cũng không nhỏ, vì họ có đủ đại diện ở các cấp từ chính quyền địa phương đến trung ương và cả khu vực nữa. Đảng PJN có 15 nghị sĩ trong quốc hội Ba Ban, 1 thượng nghị sĩ và 2 nghị sĩ tại quốc hội châu Âu.
Vụ việc này, như vậy, còn liên quan đến quan hệ giữa các đảng phái, trong bối cảnh hội nhập Châu Âu, Ba Lan bị Châu Âu nhắc nhở nhiều về vấn đề nhân quyền.
Sau bài báo của Wyborcza, đảng PJIN đã ngay lập tức ra thông cáo lên án mọi hình thức đối xử với công nhân như trong tù và bóc lột lao động, cho biết vụ việc đang được ủy ban kỷ luật toàn quốc của đảng xử lý.
Nhóm những cô gái xuất khẩu lao động được quĩ La Strada giúp đỡ tại Ba Lan đã được cấp giấy tờ đặc biệt để ở lại đây theo chương trình bảo vệ nhân chứng trong vụ án buôn người. Cô Tôn Vân Anh cho biết họ đang cùng với bộ nội vụ Ba Lan hợp tác để sớm cấp giấy phép lao động tự do cho toàn bộ nhóm này.
Hiện tại công tố viện Ba Lan đã khởi tố vụ án và người ta cho biết vào khoảng cuối tháng này sẽ hoàn tất giai đoạn đầu tiên. Đại diện cho công tố viện địa phương là Wlodzimierz Marszalkowski nói, họ chưa đưa ra cáo buộc cụ thể, nhưng các hành vi phạm tội đã được định rõ, sau khi thẩm vấn 11 người, mức án tối đa là 3 năm tù.
Vụ cưỡng bức lao động có thể liên quan đến đường dây buôn người
Theo nguồn tin của riêng tôi thì vụ án này có liên quan nhiều đến một người Việt Nam sống ở thành phố nơi xảy ra vụ việc là Bydgoszcz. Ông ta kiếm tiền bằng cách móc nối dịch vụ và đưa lao động ra nước ngoài. Thế nhưng, theo bản hợp đồng lao động, mà tổ chức chuyển giúp những nạn nhân bị buôn người hay chủ lao động ngược đãi có tên là La Strada công bố, thì có rất nhiều điều khoản không chỉ bất lợi cho nhóm những cô thợ may Việt Nam này, mà còn trái với luật pháp hay tinh thần nhân đạo của Ba Lan, vốn đang là một nước thành viên của Liên hiệp châu Âu. Ví dụ như điều khoản về chuyện nếu hủy hợp đồng trước hạn, thì người lao động và gia đình phải tự gánh chịu chi phí. Thậm chí còn có một điều khoản gây sốc là người lao động chấp nhận rằng, nếu bị chết ở nước ngoài trong thời gian thực hiện hợp đồng, thì chấp nhận thiêu xác vì chi phí gửi bình tro về Việt Nam rẻ hơn nhiều so với gửi xác trong quan tài kẽm.
Hơn nữa, theo phân tích của nhà hoạt động xã hội Tôn Vân Anh từ Hiệp hội tự do ngôn luận, thì những người lao động này không ký hợp đồng trực tiếp với chủ lao động người Ba Lan, mà chỉ ký với một công ty Việt Nam, rồi công ty đó lại cho thuê lại công nhân của mình, gọi là leasing. Mà khi ký hợp đồng kiểu như vậy, thì họ phải làm việc theo điều kiện luật lệ Việt Nam, tức là trái với luật Ba Lan. Cô Tôn Vân Anh cũng nói rằng công ty dịch vụ này bắt những người lao động phải thế chấp nhà đất để có tiền theo điều khoản mà họ gọi là vay tiền để xuất cảnh.
Quan hệ giữa các công ty môi giới lao động và chính quyền Việt Nam
Trong bài phỏng vấn dành cho tờ Wyborcza, cô Tôn Vân Anh nói các công ty môi giới lao động xuất khẩu thường phải có liên hệ rất thân thiết với an ninh Việt Nam, hay ai đó trong bộ máy của đảng cộng sản. Sang đến đây thì họ tiếp tục sống trong một cộng đồng liên hệ chặt chẽ với đại sứ quán, vì nếu hoạt động dân chủ hay không nghe theo chỉ đạo thì sẽ không thể giải quyết được sự vụ giấy tờ và về nước thì cũng khó sống. Theo cách nhìn đó, thì đa số người Việt ở Ba Lan sống trong mạng lưới quản lý của đảng cộng sản và an ninh, và chỉ có thể sống yên ổn nếu tuân theo các nguyên tắc của thế lực này.
Cô Vân Anh nêu tên các hội đoàn mang tính đại diện của công đồng người Việt như là các "thừa sai" của đảng. Tuy nhiên, ông Lê Thiết Hùng là chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan nói, đây là một tổ chức phi chính phủ được lập ra từ nhu cầu của cộng đồng với hai mục đích chính là gắn kết người Việt Nam ở Ba Lan và cùng giúp nhau sống và kinh doanh theo pháp luật Ba Lan. Từ Hội phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan, bà chủ tịch Nguyễn Thị Ngọc Thạch nói, trong hội đa số là những người không biết tiếng Ba Lan, nên có nhu cầu quan hệ với nhau, hoạt động theo tiêu chí xã hội, không tham gia chính trị, đặt mục tiêu bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em. Hiện tại đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan chưa đưa ra bình luận gì về vụ việc kể trên, cũng như về hoạt động của các tổ chức môi giới lao động.
Người lao động xuất khẩu thường bị lạm dụng
Vụ cưỡng bức lao động kể trên có thể nói là vụ thứ hai tại Ba Lan. Vụ đầu tiên xảy ra cách đây hơn hai thập niên, vào năm 1989, với đội công nhân may ở Uniejów.
Hiện rất nhiều vùng quê ở Việt Nam coi lao động xuất khẩu là cứu cánh duy nhất để thoát khỏi cảnh nghèo đói trong điều kiện kinh tế phát triển thiếu đi đôi với xã hội và khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng đến mức báo động.
Nhiều công ty môi giới kiếm được rất nhiều tiền nhờ đưa công nhân sang Malaysia, Hàn Quốc, Trung Đông và nay trong danh sách có thêm Ba Lan. Thế nhưng các công ty này thường xuyên không quan tâm đến quyền lợi của người lao động, vốn bản thân chỉ được hướng dẫn về nhiệm vụ và trách nhiệm, chứ không biết nhiều về quyền lợi của mình ở nước ngoài, hay điều kiện lao động rất nhân đạo theo hệ thống luật pháp tiến bộ tại những nước mình sắp đến.
Gánh nặng nợ nần, mà trong nhiều trường hợp do chính công ty môi giới tạo ra, luôn đè nặng lên cuộc sống của những người lao động trên mảnh đất xa lạ.
Ba Lan, chặng trung gian của đường dây chuyển người bất hợp pháp
Trong việc này, Ba Lan cũng có thể được nhìn nhận như là một chặng trung chuyển của các đường dây đưa người sang Châu Âu, tức là từ Việt Nam họ sẽ đi vào từ Nga và Ukraina, sau đó họ vượt biên sang Ba Lan, còn một số người có nhiều tiền hơn thì hạ cánh xuống Cộng hòa Séc hay Hungary, rồi từ đây họ sẽ đi sang Pháp và Đức cùng thuộc nhóm các nước theo Hiệp định Shengen. Một số người chui vào các xe tải để vượt biển Manche sang Anh. Đó là đường dây, một nửa là do các tổ chức buôn người, một nửa khác là do chính những người Việt Nam nghèo khổ lập nên, để tìm cơ hội đổi đời, để nuôi sống gia đình nghèo khổ ở quê nhà, hiện không còn đất đai canh tác.
No comments:
Post a Comment