ẤN ĐỘ - HOA KỲ - Bài đăng : Thứ tư 06 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 06 Tháng Sáu 2012
Ấn Độ, cột trụ trong chính sách mới của Mỹ ở châu Á
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (Reuters)
Thanh Phương RFI
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta hôm nay kết thúc chuyến viếng thăm Ấn Độ trong khuôn khổ vòng công du châu Á, vào lúc mà Washington đang thực hiện một chiến lược mới về châu Á, trong đó New Delhi được coi là cột trụ. Hai hồ sơ nổi cộm trong chuyến đi Ấn Độ lần này của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chính là Afghanistan và Trung Quốc.
Trong cuộc hội đàm với thủ tướng Manmohan Singh hôm qua, ông Panetta đã nhấn mạnh đến vai trò của Ấn Độ như là « gạch nối giữa Tây và Đông Á ». Hôm nay, trong cuộc hội đàm với đồng nhiệm Ấn Độ A.K Antony, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã bàn về kế hoạch của NATO rút toàn bộ lực lượng tác chiến ra khỏi Afghanistan từ đây đến cuối năm 2014, cũng như về việc Mỹ bán thêm vũ khí cho Ấn Độ và hợp tác huấn luyện quân sự giữa hai nước.
Trong bối cảnh NATO sẽ rút quân, hôm qua, ông Panetta đã kêu gọi Ấn Độ đóng một vai trò « năng động hơn » tại Afghanistan. Cụ thể, Washington hy vọng là New Delhi sẽ đẩy mạnh việc huấn luyện cho lực lượng an ninh Afghanistan. Về phía Ấn Độ, nước này rất lo ngại là việc NATO rút quân khỏi Afghanistan sẽ tạo điều kiện cho phe Hồi giáo cực đoan trở lại nắm quyền ở nước này, bởi vì quân chính phủ Kaboul sẽ khó mà đương đầu với quân taliban. Cho nên, vào tuần trước, đại sứ Ấn Độ tại Washington đã kêu gọi hai nước nên phối hợp chặt chẻ hơn ở Afghanistan.
Nhưng chuyến đi của ông Panetta ở Ấn Độ phải được đặt trong một bối cảnh rộng hơn, vì mục đích của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đến New Delhi cũng chính là tăng cường quan hệ quốc phòng giữa Hoa Kỳ với Ấn Độ, trước sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.
Trong chiến lược mới về châu Á mà tổng thống Barack Obama công bố vào đầu tháng Giêng vửa qua, Ấn Độ là quốc gia duy nhất được nêu lên như là một đối tác trọng yếu của Hoa Kỳ. Các giới chức Mỹ vẫn đánh giá Ấn Độ và Mỹ có cùng truyền thống dân chủ và có cùng mối quan ngại đối với Trung Quốc và các tổ chức Hồi giáo cực đoan ở Nam Á.
Cho tới nay, chính quyền Obama vẫn xem Ấn Độ là một đối trọng với Trung Quốc, tuy rằng trong các tuyên bố chính thức, các giới chức cao cấp của Mỹ khẳng định rằng chiến lược mới của Washington không phải là nhằm đối đầu với Bắc Kinh.
Chuyến đi của ông Panetta diễn ra sau khi Ấn Độ vào tháng 4 vừa thử nghiệm thành công một tên lửa mới mang đầu đạn hạt nhân, có tầm bắn 5000 km, tức là có thể bắn tới bất cứ nơi nào ở Trung Quốc, đánh dấu một bước tiến quan trọng về khả năng quân sự của New Delhi, rút ngắn sự cách biệt về hệ thống tên lửa của Ấn Độ đối với Trung Quốc. Ấn Độ hiện đang đầu tư rất nhiều vào vũ khí để hiện đại hóa quân đội và Hoa Kỳ nay đã trở thành một trong những nguồn cung cấp vũ khí chủ yếu cho Ấn Độ.
Trước khi đến Ấn Độ, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đã công bố kế hoạch dời phần lớn hạm đội của Mỹ đến Thái Bình Dương từ đây đến năm 2020, một hành động có tính chất biểu tượng nhằm khẳng định quyết tâm của Mỹ duy trì ảnh hưởng ở châu Á, trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chiến lược này chủ yếu là nhằm ngăn chận đà bành trướng của Bắc Kinh, đặc biệt là ở Biển Đông, tăng cường yểm trợ những quốc gia nhỏ hơn đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở vùng biển này.
No comments:
Post a Comment