Popular Posts

Wednesday, June 6, 2012

Sân khấu nổi trong Vịnh Cam Ranh

Sân khấu nổi trong Vịnh Cam Ranh

Ngô Nhân Dụng

Nói đến Cam Ranh, mấy bữa nay báo chí Việt Nam chú ý đặc biệt đến mấy nhà kinh doanh Trung Quốc sang nước ta thuê người Việt đứng tên làm bè nuôi cá.

Họ làm ăn bao năm rồi, mà khi báo chí trong nước loan tin ra, các ông lãnh đạo cộng sản ở Cam Ranh cũng như Nha Trang làm bộ như không biết gì hết, ra lệnh cho cấp dưới “khẩn trương” báo cáo! Nhưng đối với dư luận thế giới bên ngoài thì chuyện mấy bè nuôi cá mú này là chuyện nhỏ. Nếu có ai nhắc đến tên Cam Ranh thì lý do là những lời tuyên bố của ông bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ khi đến Cam Ranh.

Ông Leon Panetta mới đến Việt Nam. Ông đánh dấu ngày đầu tiên của chuyến thăm viếng trên chiếc tàu USNS Richard E. Byrd thuộc Hải Quân Mỹ; nó đang được bảo trì trong hải xưởng thuộc quân cảng Cam Ranh. Lựa chọn này gây ra nhiều thắc mắc. Các nhà báo Trung Quốc chắc chắn phải thắc mắc hơn những nhà báo khác; trước khi họ đến nghe những lời tuyên bố của ông Panetta trong một ngày nắng đẹp, trên chiếc tàu của Hải Quân Mỹ.

Thắc mắc đầu tiên là: Một ông bộ trưởng Quốc Phòng, thuộc nước nào cũng vậy, nếu định đi thăm lực lượng hải quân ở dưới quyền mình, thì chắc sẽ chọn thăm một hàng không mẫu hạm để chụp hình cho vĩ đại; chứ sao lại đi thăm một chiếc tàu vận tải? Con tàu này chỉ có hơn 140 nhân viên, mà số nhân viên dân sự đông gấp 10 lần số quân nhân, nhìn vô thấy như một chiếc tàu buôn bốc dỡ hàng hóa! Lúc đám nhân viên này đứng xếp hàng chào “sếp lớn” thì phong cảnh không có chút gì lễ nghi quân cách oai phong hết! Tại sao ông ta chọn lựa như vậy?

Thắc mắc thứ hai là: Tại sao con tàu này lại đi làm công việc bảo trì đúng ngày đúng tháng khi ông “sếp” cao nhất của nó bay sang thăm Việt Nam? Chắc đây chỉ là một công việc bảo trì thường xuyên theo lịch trình ấn định trước; bởi vì nước Mỹ có đang lâm chiến đâu mà phải đem một con tầu vận tải đi sửa chữa khẩn cấp? Một con tàu vận tải thì có hư hại gì đến nỗi phải sửa khẩn cấp, trong thời gian hòa bình?

Thắc mắc thứ ba là: Tại sao họ không đem con tàu này tới các hải xưởng ở Phi Luật Tân hay Singapore là những bến quen thuộc với Hải Quân Mỹ; của những quốc gia đã có hiệp ước lâu dài quan hệ làm ăn với Hải Quân Mỹ? Tại sao họ lại chọn một quân cảng Việt Nam làm nơi tu bổ và bảo trì? Có phải vì người đứng đầu về cơ khí trên tàu là một sĩ quan gốc Việt Nam hay không?

Sau khi nêu ra các thắc mắc đó, các nhà báo Trung Quốc có thể đoán rằng: Có một sự xếp đặt! “Chúng nó” thu xếp để cho con tầu Richard E. Byrd có mặt đúng ngày đúng tháng đó; ở ngay quân cảng đó! Chỉ cốt làm bối cảnh cho các máy chụp hình và quay phim, cho ông Panetta xuất hiện, đặt chân lên tàu rồi nói mấy câu. Chính nội dung các lời tuyên bố của ông Panetta đòi hỏi một bối cảnh cho thích hợp. Và họ đã thấy Cam Ranh là nơi thích hợp nhất. Ông Panetta chỉ muốn dùng con tàu này như một sân khấu tạm dựng, miễn làm sao cái sân khấu nổi đó nằm trong Vịnh Cam Ranh!

Trên nhật báo này quý vị đã đọc những lời tuyên bố của ông Panetta để thấy nó khai triển rõ ràng hơn những gì ông Barack Obama và bà Hillary Clinton đã nói từ lâu. Từ hơn hai năm nay, bà ngoại trưởng Mỹ, cũng như ông cựu bộ trưởng Quốc Phòng mà ông Obama thừa hưởng từ thời ông Gorges W. Bush, đều nói rằng nền an ninh trên đường biển trong vùng Ðông Nam Á là một vấn đề mật thiết với nền an ninh của nước Mỹ. Năm ngoái, ông tổng thống Mỹ đến Indonesia, một nước Ðông Nam Á, đã nói trước mặt ông Hồ Cẩm Ðào và nguyên thủ các nước Á Châu, Thái Bình Dương rằng: Nước Mỹ trở lại, và sẽ ở lại nơi đây!

Hôm cuối tuần rồi, đến lượt ông Panetta lên sân khấu. Ông nói thêm chi tiết: Hải Quân Mỹ hiện đang điều động một nửa lực lượng tàu chiến trong vùng Á Châu Thái Bình Dương. Nhưng trong thập niên tới, sẽ di chuyển 60% số tàu thủy vào vùng này! Hiện nay lực lượng Hải Quân Mỹ mạnh hơn tổng cộng hải quân của các cường quốc khác. Khi tính đem 60% vào vùng Á Châu Thái Bình Dương, nước Mỹ “có ý đồ gì?” Chắc các nhà báo Trung Quốc sẽ đặt câu hỏi đó. Và họ sẽ nhắc cho các độc giả Trung Quốc biết một điều các lãnh tụ cộng sản Trung Quốc vẫn thường nói nhỏ vào tai dân chúng hàng chục năm qua: Chính sách của Mỹ là bao vây Trung Quốc; ngăn cản không cho Trung Quốc vươn lên ngang hàng!

Nhưng điều khiến các nhà báo và độc giả người Trung Quốc phải nổi giận là những lời ông Panetta nói về phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam. Ông ta nói, một trọng tâm của việc hợp tác đó là “phát triển luật các vấn đề về Biển Ðông của Việt Nam!” Ðối với chính quyền Trung Quốc, Biển Ðông tức là Cửu Ðoạn Tuyến (Ðường Chín Ðoạn), là ao nhà của Trung Quốc, là nơi Trung Quốc đóng vai chủ sòng. Luật lệ về vùng Lưỡi Bò này là luật của Trung Quốc; Trung Quốc sẽ phát triển. Tại sao Mỹ lại muốn hợp tác với Việt Nam bàn việc phát triển những thứ luật đó làm cái gì? Việc “can thiệp vào nội bộ” này còn nặng nề hơn vụ luật sư Trần Quang Thành chạy vào tòa Ðại Sứ Mỹ ở Bắc Kinh nữa!

Một câu tuyên bố của ông Panetta có thể được các nhà báo Trung Quốc coi là khiêu khích. Ðó là khi ông nói đến “chiến lược” mới của Mỹ không nhắm xây dựng các căn cứ quân sự cố định nữa. Thay vào đó, “quân đội Mỹ phải có khả năng đối phó và điều động nhanh chóng, dễ dàng” trong mọi cuộc chiến tranh tương lai. Ðây là một ý kiến bình thường, nhà kinh tế nào cũng có thể đồng ý. Bỏ tiền ra xây căn cứ cố định không có lợi bằng dùng tiền để gia tăng tốc độ di chuyển khắp mọi nơi! Nhưng ông Panetta lại giải thích thêm với một chi tiết: Một vấn đề “chiến lược” của Hải Quân Mỹ, là bảo đảm khả năng cho tàu chiến Mỹ “di chuyển nhanh chóng từ bờ biển phía Tây nước Mỹ sang Châu Á, phía bên kia Thái Bình Dương!”

Người Trung Hoa nào cũng nhớ hồi 1941, Hải Quân Nhật đã tấn công bất ngờ Pearl Harbor cũng chỉ nhắm tiêu diệt “khả năng di chuyển nhanh chóng” của Hải Quân Mỹ từ bờ này sang bờ bên kia của Thái Bình Dương. Chính quyền Nhật Bản chỉ tính toán sai một nước; là họ không ngờ được khả năng của công nghiệp quốc phòng của Mỹ. Các gián điệp Nhật có thể đếm đúng số tầu chiến, số lính hải quân, số cơ xưởng làm sung, đóng tầu. Nhưng họ quên không đếm số nhà máy làm xe hơi, làm máy cày, số kỹ sư và công nhân có thể đạo tạo ở Mỹ mỗi năm, vân vân; khi cần đến là tất cả chuyển sang kỹ nghệ quốc phòng. Cho nên họ không ngờ sau ba năm sức mạnh Hải Quân Mỹ đã hồi phục, rồi tăng vọt lên, đè bẹp Hải Quân Nhật. Vậy bây giờ, một ông bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ nói đến “khả năng di chuyển nhanh chóng giữa hai bờ Thái Bình Dương” thì ông ta nhắm đối thủ là hải quân của nước nào? Chắc không phải là Nhật Bản như trước đây 70 năm.

Bây giờ thì các nhà báo Trung Quốc hiểu ngay lý do tại sao ông Panetta lại chọn vịnh Cam Ranh làm nơi tuyên bố chính sách mới của Hải Quân Mỹ. Ông ta giải thích nước Mỹ cần: “hợp tác sử dụng các hải cảng quan trọng của các nước; trong đó Việt Nam có một tiềm năng hợp tác lớn.” Nói cách khác, Mỹ không phải chỉ quay lại Châu Á. Mỹ cũng không chỉ quay lại vùng Biển Ðông Nam Á. Không chỉ tỏ ý sẵn sàng quay trở lại Việt Nam. Trong chiến lược tương lai, chính quyền Mỹ còn nhìn vào tiềm năng của những hải cảng các nước Ðông Nam Á. Thí dụ như cảng Cam Ranh này. Ông Panetta nhắc nhở: “Việc con tàu USNS Richard E. Byrd đang đậu ở Cam Ranh và được các công nhân người Việt Nam sửa chữa là một ‘bằng chứng mạnh mẽ’ về mối quan hệ giữa hai nước!”

Các nhà báo Trung Quốc có thể an ủi các độc giả của họ bằng một chi tiết này: Con tàu Richard E. Byrd không phải là một tầu chiến đấu, mà chỉ là một tàu vận tải. Tại sao chính phủ Mỹ lại chọn dựng sân khấu trên một con tầu chở hàng, chẳng có khẩu súng hay viên đạn nào nên thân cả?

Ðó là một cử chỉ cốt bày tỏ thái độ hòa hoãn với đảng Cộng Sản Trung Quốc! Nếu ông Panetta lại tuyên bố những lời lẽ vừa rồi ở trên một chiếc tầu chiến, súng ống sáng ngời, hỏa tiễn nghênh lên, thì sẽ có vẻ hằn học, gây gổ. Nếu ông ta lại leo lên một hàng không mẫu hạm mà nói, thì càng khiêu khích. Chọn một chiếc tầu vận tải nhỏ bé hiền lành, chính quyền Mỹ theo truyền thống “tiên lễ hậu binh” đã tỏ ra họ hiểu “tính nhậy cảm” của vấn đề này đối với Trung Quốc.

Cuối cùng ông Panetta cũng chỉ nhắc lại lời ông Obama đã nói: Nước Mỹ sẽ bảo vệ quyền tự do hàng hải trong vùng Ðông Nam Á cũng như khắp thế giới. Nước Mỹ sẽ tăng cường giúp các nước Châu Á Thái bình Dương tự vệ. Ðiều mới mẻ duy nhất là khi những ý kiến đó được lập lại trên một cái sân khấu nổi, trong Vịnh Cam Ranh!

 

 

No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List