Thời cơ một cuộc cách mạng
Iris Vinh Hayes
(Nguyễn Trung Chính)
-
Nhân đọc bài "Việt Nam Nhất Định Có Cách Mạng Sớm Nếu..." của tác giả Nguyễn Ngọc Già, và vì tin rằng đây là một chủ để quan trọng, nên xin được phép gởi đến quý vị một bài viết trước đây.
Theo các nhà khoa học xã hội đã từng nghiên cứu các cuộc cách mạng trên thế giới quần chúng có đông đảo xuống đường làm thành một biển người đối kháng với bộ máy cầm quyền độc tài hay không sẽ tùy thuộc vào một yếu tố duy nhất: cảm nhận của quần chúng về khả năng thành công của một cuộc cách mạng. Cảm nhận đó của quần chúng lại tùy thuộc vào ảnh hưởng của những xung động lực đến từ 3 tác nhân: nhà cầm quyền, lực lượng đối kháng, và quần chúng.
Về phía nhà cầm quyền độc tài chuyên chế thì lúc nào họ cũng (a) tỏ rõ thái độ không bao giờ tự động rời bỏ hoặc chuyển giao quyền lực; (b) sẵn sàng sử dụng bộ máy cầm quyền để đè bẹp các thế lực đối kháng; (c) ngăn chận thông tin đến từ phía đối kháng; (d) ép nhẹm những thông tin bất lợi cho bộ máy cầm quyền; (e) tuyên truyền ồ ạt với thông tin một chiều để thuyết phục quần chúng rằng nhà cầm quyền đất nước rất được quần chúng tín nhiệm, rất có chính nghĩa và rất vững chắc; (f) tung hỏa mù bằng cách đưa ra những sự kiện/vấn đề nóng nhằm làm cho quần chúng và những người đối kháng với bộ máy cầm quyền bị lạc đường, mất định hướng, phân tán lực lượng, hoài nghi lẫn nhau, bị cuốn hút vào những hứa hẹn hay mục tiêu nhảm nhí, có ảo tưởng rằng bộ máy cầm quyền sẽ tự sửa sai và làm tốt hơn; (g) dựng lên một kẻ ngoại thù để khơi dậy lòng yêu nước, để răn đe là sẽ bị mất nước nếu không hợp tác với nhà cầm quyền, hoặc để trấn áp với lý do vì an ninh quốc gia.
Ở một mặt khác thì nhà cầm quyền độc tài lại rất bất an: (a) vì biết rằng đại đa số quần chúng sẽ không bao giờ công khai ý nghĩ chống đối của mình để cho nhà cầm quyền biết, bộ máy cầm quyền càng độc tài chuyên chế thì dân càng giỏi che dấu, cho nên khó biết dân thực sự đang nghĩ gì và sẽ làm gì nếu có cơ hội; (b) vì không biết quần chúng tin ai hơn, tin vào tiếng nói của nhà cầm quyền hay tin vào tiếng nói của thành phần đối kháng; (c) vì không biết giữa “tâm trạng của quần chúng” với “suy đoán của nhà cầm quyền về tâm trạng của quần chúng” có khoảng cách bao xa và khoảng cách đó có đủ để kích nổ một cuộc cách mạng hay không; (d) vì nếu có cuộc cách mạng nổ ra không biết là bộ máy cầm quyền có chịu nổi áp lực và có khả năng sống còn hay không; và (e) vì khi đã có một cuộc cách mạng nổ ra thì nhà cầm quyền sẽ có hai sự chọn lựa là (e1) nhường nhịn và đáp ứng phần nào yêu sách của quần chúng hoặc là (e2) thẳng tay đánh dẹp nhưng, khổ nạn là, cả hai sự chọn lựa đều có khả năng làm cho quần chúng quyết tâm hơn trong việc giải thể chế độ độc tài.
Về phía đối kháng với nhà cầm quyền thì họ (a) chủ tâm thu thập thông tin, nhất là thông tin mật từ phía nội bộ nhà cầm quyền, nên có nhiều thông tin hơn quần chúng; (b) biết rõ về bản chất, thực chất, và những vấn nạn của bộ máy cầm quyền hơn là quần chúng; (c) cố gắng thuyết phục quần chúng rằng một cuộc cách mạng đổi mới đất nước là cần thiết; (d) cố gắng thuyết phục quần chúng rằng một cuộc cách mạng đổi mới sẽ có nhiều cơ hội thành công; và (e) kêu gọi quần chúng hành động. Những người đối kháng chỉ ra mặt khi (1) tin rằng quần chúng sẽ nghe theo và (2) tin rằng có thể giật sập được bộ máy cầm quyền.
Khả năng quần chúng có nghe theo lời kêu gọi hay không tùy thuộc vào uy tín của lực lượng đối kháng. Ở trong môi trường dễ xuống đường thì lời kêu gọi của lực lượng đối kháng khó thuyết phục quần chúng rằng nhà cầm quyền đang yếu thế. Tuy nhiên, môi trường như vậy sẽ dễ khuyến khích lực lượng đối kháng xuống đường hơn vì ít nguy hiểm hơn. Ngược lại ở trong môi trường càng khó xuống đường chừng nào thì lời kêu gọi của lực lượng đối kháng càng có uy tín đối với quần chúng. Khả năng trừng trị của nhà cầm quyền càng mạnh chừng nào thì sự kêu gọi của lực lượng đối kháng càng có uy tín chừng ấy đối với quần chúng, vì quần chúng tin rằng đó là dấu hiệu cho thấy nhà cầm quyền đã suy yếu rồi nên những nhà đối kháng mới dám ra mặt. Dấu hiệu “nhà cầm quyền đã suy yếu” khuyến khích sự tham dự của quần chúng
Thông thường thì thành phần đối kháng với nhà cầm quyền sẽ “trốn kín” cho đến khi họ thấy có cơ hội thành công mới ra mặt đối kháng và kêu gọi quần chúng xuống đường làm một cuộc cách mạng đổi mới. Đặc biệt là những người đối kháng nằm bên trong hệ thống cầm quyền, những người một thời đã từng là công thần cao cấp của chế độ. Họ có rất nhiều thông tin về sự rạn nứt bên trong và thấy rõ cái bệ rạc của hệ thống cầm quyền. Sự đánh giá của họ về tình hình sẽ chính xác hơn là những người quan sát từ bên ngoài. Theo đó, ước tính của họ về thời điểm hành động cũng đáng tin cậy hơn. Vì thành phần đối kháng với nhà cầm quyền độc tài luôn bị đe dọa bởi hiểm họa ở cấp độ cao nhất cho nên họ phải “trốn kín” là điều đương nhiên. Nhưng một khi họ đã dám ra mặt chống đối nhà cầm quyền thì quần chúng có thể nhận ra là thời cơ đã tới và rất có thể sẽ đáp ứng lời kêu gọi xuống đường làm một cuộc cách mạng đổi mới đất nước.
Về phía quần chúng, họ tiếp cận thông tin từ cả hai phía, phía nhà cầm quyền và phía đối kháng, rồi dùng thông tin đó để ước đoán tình hình và làm quyết định. Thông tin từ phía đối kháng thì cố gắng thuyết phục quần chúng đứng lên chống nhà cầm quyền còn phía nhà cầm quyền thì làm ngược lại. Dưới một bộ máy cai trị độc tài, quần chúng ít được tiếp cận với thông tin trung thực và càng khó tiếp cận với thông tin đối kháng. Do đó, kết quả là đại đa số quần chúng sẽ có khuynh hướng thờ ơ.
Nếu như phía đối kháng có giỏi đưa thông tin đến quần chúng, nếu như quần chúng có thể liên tục tiếp cận thông tin đối kháng, và nếu như thông tin đối kháng thuyết phục được quần chúng rằng một cuộc cách mạng đổi mới là cần thiết...thì quần chúng sẽ ấp ủ giấc mơ đổi mới và giữ kín trong lòng chờ cơ hội. Nhưng quần chúng sẽ không hành động nếu như họ không nhìn thấy khả năng thành công. Họ phải nhìn thấy dấu hiệu “nội bộ nhà cầm quyền đang bị rạn nứt, rớt vào khủng hoảng, sắp bị sụp đổ.” Họ phải nhìn thấy “chính quyền đã suy yếu.” Họ phải nhìn thấy “có một lực lượng đối kháng có thực lực” đang đứng sau lưng quần chúng vận động lật đổ nhà cầm quyền. Quần chúng có được những cái “thấy” như vậy thì mới hy vọng họ chịu xuống đường, mới dám biến giấc mơ đổi mới đã ấp ủ và giữ kín trong lòng thành hành động cụ thể.
Sự thật là: quần chúng không biết được sức mạnh thực sự của nhà cầm quyền, vì thông tin này chỉ đến từ biến cố thật. Hay nói một cách khác là, quần chúng chỉ thực sự biết nhà cầm quyền có sức mạnh tới đâu sau khi đã có một cách mạng nổ ra. Sự thật là: nhà cầm quyền độc tài cũng không biết được sức mạnh thực sự của quần chúng, vì thông tin chỉ đến từ biến cố thật. Hay nói một cách khác là nhà cầm quyền thực sự biết quần chúng có đủ sức mạnh để giải thể đổ chế độ độc tài hay không chỉ sau khi đã có một cách mạng nổ ra. Biến cố thật là cái giá rất cao, cho cả hai phía, để có được thông tin này. Vắng mặt “biến cố thật” để sự thật tự phơi bày thì chỉ còn lại “sự thật theo cảm nhận” tác động lên cán cân chính trị. Cán cân nghiêng về phía nhà cầm quyền độc tài hay nghiêng về phía lực lượng đối kháng sẽ tùy thuộc vào sự cảm nhận của quần chúng. Do đó, tận dụng thông tin để gây ấn tượng “như thật” là một cuộc chiến tiền biến cố. Muốn quần chúng xuống đường, phía đối kháng phải thắng trận chiến thông tin tiền biến cố, phải tạo ấn tượng “như thật.”
Một cuộc cách mạng chỉ có thể xảy ra khi có đủ hai điều kiện: (1) quần chúng phải tin là cần phải có một cuộc cách mạng đổi mới và đáng để tham gia và (2) phải có một lực lượng đối kháng đứng ra điều hợp, thúc đẩy và hướng dẫn cuộc cách mạng. Không có niềm tin vào một cuộc cách mạng đổi mới và không có một lực lượng đối kháng làm dung môi cho một cuộc cách mạng thì quần chúng khó có thể tự phát thành biển người đối kháng.
Những cuộc cách mạng mới đây được báo chí nhận xét là những cuộc cách mạng tự phát và không có lãnh tụ. Cụm chữ “một cuộc cách mạng tự phát” không đồng nghĩa với “không có một lực lượng đối kháng làm dung môi cho cuộc cách mạng” và “cuộc cách mạng không lãnh tụ” không đồng nghĩa với “không có một lực lượng đối kháng đứng trong bóng tối hay đứng sau lưng quần chúng để vạch kế hoạch và điều hợp chương trình hành động.” Điều này có nghĩa là, nói thế nào thì nói nhưng trên thực tế thì vai trò của một lực lượng đối kháng trong tiến trình dẫn đến một cuộc cách mạng khẳng định là không thể thiếu.
Nhìn vào tình hình của Việt Nam, người ta có thể hiểu được tại sao đại đa số quần chúng tỏ vẽ thờ ơ trước thời cuộc. Dân chúng Việt Nam không hèn nhát cũng không thiếu tinh thần trách nhiệm như một số người đã nhận xét. Nó chỉ đúng với những gì quan sát được trên bề mặt. Nhà cầm quyền độc tài “khoái” cách nhìn này vì họ muốn mọi người tin là như vậy để tự từ bỏ hy vọng sẽ có một cuộc cách mạng đổi mới đất nước. Thật ra, sự thờ ơ của quần chúng trong một đất nước đang nằm dưới sự khống chế của một bộ máy độc tài toàn trị cho người ta thấy được hai vấn đề cực kỳ quan trọng, có thể nói đó là hai điều kiện đang làm “đông lạnh” sức mạnh của quần chúng. Đó là (1) đại đa số quần chúng chưa tiếp cận được hoặc chưa tiếp cận đủ thông tin từ phía đối đối kháng, do đó, chưa cảm nhận được sự cần thiết của một cuộc cách mạng đổi mới đất nước; hoặc/và (2) đại đa số quần chúng chưa thấy những dấu hiệu và do đó chưa cảm nhận được khả năng thành công của một cuộc cách mạng.
Điều kiện thứ nhất tuy là đang làm đông lạnh quần chúng nhưng, sau khi đã nhìn thấy, thì chính nó lại là một cơ hội lớn để cho lực lượng đối kháng hoạch định một chiến sách khác tích cực hơn để “làm tan đông lạnh” thúc đẩy một cuộc cách mạng đổi mới đất nước. Chiến sách đó có thể là tạo điều kiện để quần chúng tiếp cận thông tin đối kháng một cách sâu rộng hơn và liên tục bằng cách tích cực ĐẨY thông tin đến tay quần chúng thay vì chờ quần chúng tự KÉO thông tin một cách nhỏ giọt từ những nguồn không được tự do tiếp cận như tình trạng hiện tại.
Chỉ trông cậy vào những cơ quan truyền thông để thực hiện chiến sách này thì chưa đủ. Muốn làm được công việc này cần có sự sáng tạo, có phương án tốt và có sự tham gia đông đảo của cá nhân. Và cá nhân không phải chỉ đơn thuần là tham gia truyền tải thông tin mà là tham gia vào cuộc chiến thông tin để giải phóng đất nước khỏi ách độc tài toàn trị. Mỗi một cá nhân đủ sức để biến một hạch nhân thành lực lượng lớn. Một que diêm không cho đủ lửa nhưng hàng triệu que diêm có thể làm tan cả Bắc Băng Dương. Phải thắng “cuộc chiến thông tin tiền biến cố” thì lực lượng đối kháng mới có hy vọng động viên được quần chúng xuống đường làm một cuộc cách mạng đổi mới đất nước.
Một chiến sách tích cực hơn cho một cuộc chiến thông tin tiền biến cố thôi cũng chưa đủ. Cần phải có một lực lượng đối kháng có thực lực. Không có một lực lượng đối kháng đủ thực lực đứng ra vận động, quần chúng khó có thể cảm nhận được khả năng thành công của một cuộc cách mạng. Hai học giả Jack A. Goldstone và John Hazel cũng đồng ý về điểm này. Hai ông nói, trong bài viết Understanding the Revolutions of 2011, một cuộc cách mạng có thể thành công cần phải hội đủ một số yếu tố. Thứ nhất, quần chúng phải nhìn thấy chính quyền là một đại họa cho tương lai của đất nước. Thứ hai, công thần cao cấp của chế độ, đặc biệt là trong quân đội, đang bất mãn hoặc không còn muốn chống đỡ cho chế độ nữa. Thứ ba, một đám đông quần chúng kết hợp diện rộng (tham dự của mọi giai tầng, mọi tôn giáo, mọi sắc tộc) phải được “ai đó” động viên để xuống đường đối kháng với chính quyền. Và, sau cùng là những quyền lực quốc tế sẽ không nhúng tay trợ giúp cho nhà cầm quyền độc tài (nếu được họ đứng ra bênh vực quần chúng thì càng tốt).
Với hiện tình của đất nước, thành lập một liên minh tôn giáo và một công đoàn lao động đại diện cho công nhân có lẽ là con đường nhanh nhất để có được “ai đó” đứng ra vận động quần chúng. Một liên minh tôn giáo và một công đoàn lao động cũng sẽ cho lợi thế và cơ hội nhiều nhất trong vai trò là lực lượng đối kháng để quần chúng cảm nhận được khả năng thành công của một cuộc cách mạng đấu tranh bất bạo động. Một công đoàn lao động cần có sự tham gia của các luật sư và chuyên gia am tường về nhân sự và luật lao động, đang làm việc trong quốc nội và tại hải ngoại, để hướng dẫn công nhân đấu tranh. Một liên minh tôn giáo đã từng được hình thành trong quá khứ đấu tranh của đất nước. Hình thành một liên minh tôn giáo cho nhu cầu khẩn thiết của đất nước ngày hôm nay không phải là một khái niệm lạ và cũng không phải là việc khó thực hiện.
Iris Vinh Hayes (Nguyễn Trung Chính)
No comments:
Post a Comment