Triển lãm Paris qua muôn ngàn bài hát
Tháp Eiffel và nghệ thuật ánh sáng (RFI / Đức Tâm)
Tuấn Thảo
Paris muôn thuở là nguồn cảm hứng bất tận đối với giới văn nghệ sĩ. Nhưng bạn thử đoán xem đã có bao nhiêu bài hát viết về Paris ? Trước câu hỏi này, ngay cả những người dân sống lâu năm ở thủ đô Pháp chưa chắc gì đã biết câu trả lời. Nhưng theo thống kê chính thức, từ trước tới nay đã có hơn 2750 ca khúc với chủ đề Paris.
Ít ra đó là điều đầu tiên mà ta học hỏi được khi đến xem cuộc triển lãm mang tựa đề Paris en chansons - Paris qua những bài hát. Do hai Thư viện lưu trữ âm thanh và hình ảnh của thành phố Paris tổ chức, cuộc triển lãm sẽ kéo dài cho tới ngày 29 tháng 7 năm 2012. Tất cả những gì không được ghi chép đều có nguy cơ bị mai một, thất lạc.
Nhờ sưu tầm các bản thảo có từ nhiều thế kỷ trước, cho nên giới nghiên cứu có thể xác định rõ ràng là bản nhạc đầu tiên viết về Paris là bài Les cris de Paris của tác giả Clément Janequin, viết vào đầu thế kỷ thứ XVI khoảng những năm 1520. Do không có vết tích lưu trữ các bản in hay chép tay, cho nên trong hai thế kỷ XVII và XVIII, số bài hát viết về Paris có thể được đếm trên đầu ngón tay.
Từ đầu thế kỷ thứ XIX trở đi, các nguồn tư liệu tham khảo trở nên dồi dào, cho thấy là Paris bắt đầu chuyển mình trở thành kinh đô ánh sáng, sau thời kỳ phát triển đô thị song song với cuộc cách mạng kỹ nghệ. Vào thời đó, Paris được xem như là thủ đô văn hóa của châu Âu nếu không nói là của toàn thế giới. Thủ đô Pháp thu hút nhiều nhân tài từ khắp nơi đổ về, sự sáng tạo của họ không những được thể hiện qua âm nhạc, thi ca mà còn là văn chương, hội họa, điêu khắc, múa ballet và nhiều bộ môn nghệ thuật khác.
|
Nhưng dường như cái hình ảnh về Paris thời bấy giờ là một cách nhìn lý tưởng nhất là trong mắt người nước ngoài, nơi mà cuộc sống về đêm là một lễ hội tưng bừng hào nhoáng, không biết đến bao giờ mới tàn. Hình tượng lý tưởng ấy được duy trì qua tiểu thuyết văn chương và tồn tại cho đến tận bây giờ qua cách nhìn của các hãng phim Hollywood : Paris xinh như tranh, Paris đẹp như mơ.
Cuộc triển lãm Paris qua những bài hát ít ra khôi phục lại phần nào thế cân bằng. Bởi vì trong số 2750 bản nhạc viết về Paris, có cả những ca khúc ngợi ca vẻ đẹp của thủ đô Pháp, nhưng bên cạnh đó cũng có những bài nói về những thành phần dân cư nghèo xơ nghèo xác, những khu phố bụi bặm tối tăm, tức là đưa ra một cách nhìn khá phản diện về Paris. Nếu các tác giả thường phản ánh những trăn trở suy tư trong cái bối cảnh xã hội mà họ đang sống, thì có thể nói là dòng nhạc hiện thực của Pháp từ cuối thế kỷ XIX trở đi, đã tạo được thế đối trọng với nhãn quan lý tưởng của những tác giả chuyên mô tả Paris với những hình tượng khuôn sáo.
Cuộc triển lãm do các Thư viện của thành phố Paris tổ chức tập hợp hàng trăm tài liệu đủ loại : hình chụp, sách báo, âm thanh, phim ảnh, được chia thành nhiều chủ đề khác nhau. Khách đến xem triển lãm tùy theo sở thích có thể chọn nghe nhạc qua máy đeo tai, xem video clip và scopitone (tiền thân của video ca nhạc) trên màn hình hoặc là vào phòng chiếu phim để xem các trích đoạn về Paris qua cách nhìn của các nhà đạo diễn của làng nghệ thuật thứ bảy. Bà Emmanuelle Toulet, giám đốc Thư viện các bản thảo lưu trữ về lịch sử Paris cho biết :
Thư viện của thành phố Paris đã đóng góp rất nhiều tài liệu dưới dạng ấn bản cho cuộc triển lãm này. Các bức ảnh chụp thời xưa, các tấm bưu thiếp hay bích chương quảng cáo, các bộ sưu tập tranh ảnh, sách báo, tư liệu tham khảo, các bản dàn bè, các tập chép tay … Bên cạnh các ấn bản này còn có nhiều tài liệu dưới dạng âm thanh và phim ảnh, bao gồm những bản nhạc ghi âm đầu tiên hay là những đoạn phim và video clip minh họa cho các bài hát viết về thủ đô Paris.
Các tài liệu này là do Thư viện Âm thanh và Viện lưu trữ Phim ảnh của Pháp cung cấp. Nhờ vậy mà chúng tôi có đến 400 ca khúc được minh họa bằng hình ảnh mà khách đến xem triển lãm sẽ có dịp khám phá. Tính tổng cộng, có đến gần 2800 bài hát đã được viết về Paris. Có một điều rất lạ là trên toàn thế giới, Paris là thành phố được nhắc nhở, vinh danh nhiều nhất qua thi ca, nhưng mãi đến bây giờ mới tổ chức một cuộc triển lãm đầu tiên về chủ đề này. Nhưng theo tôi nghĩ, thà muộn còn hơn không.
|
Nhắc đến phong trào viết ca khúc về Paris, người Pháp chủ yếu biết đến các khúc trứ danh qua các giọng ca ăn khách những năm 1950 như Edith Piaf, Yves Montand hay Juliette Gréco. Không phải ngẫu nhiên mà nữ danh ca Juliette Gréco là người đỡ đầu cho cuộc triển lãm này vì bà từng được mệnh danh là Nàng thơ phố Saint Germain des Prés. Theo lời bà Emmanuelle Toulet, các danh ca này duy trì một phong trào có từ gần nửa thế kỷ trước :
Người đầu tiên đã sáng lập ra phong trào sáng tác ca khúc về Paris từ cuối thế kỷ thứ XIX là ca sĩ kiêm tác giả Aristide Bruant (1851-1925), mà người Pháp thường hay nhầm lẫn với chính trị gia sống cùng thời là Aristide Briand (1862-1932). Nổi danh từ những năm 1890 trở đi, Bruant được xem như là một trong những cánh chim đầu đàn của trường phái thi ca hiện thực. Trường phái này chuyên dùng ca khúc để phản ánh các câu chuyện đời thường, dễ bắt gặp trong xã hội thời bấy giờ.
Đặc điểm của Aristide Bruant là ông thường lồng câu chuyện mà ông muốn kể vào một bối cảnh rất cụ thể : đó thường là những khu phố nghèo của Paris. Tác giả này thường chọn tên của một góc phố để đặt tựa cho bài hát : Batignoles, Ménilmontant, Grenelle hay Clignancourt. Điều đó ảnh hưởng nhiều đến các thế hệ tác giả đi sau ông như Georges Ulmer hay Serge Gainsbourg khi họ sáng tác những ca khúc về nhà hát Moulin Rouge và phố Pigalle hoặc là phố Saint Germain và trạm xe điện ngầm Porte des Lilas.
|
Cuộc triển lãm Paris qua những bài hát làm sống lại nhiều giai điệu mà thoạt nghe rất quen nhưng ta không còn nhớ tác giả là ai. Ngoại trừ một số tác giả hiện giờ như các ca sĩ Juliette hay Da Silva duy trì lối sáng tác hiện thực, có thể nói là dòng nhạc này đã bắt đầu lu mờ từ đầu những năm 1960 trở đi. Nhưng điều bất ngờ là các sáng tác về Paris tiếp tục được duy trì thông qua nhiều dòng nhạc khác nhờ vào tính đa dạng của các chủ đề, chứ không cần phải bám sát vào thực tế.
Những bài hát viết về Paris bao gồm khá nhiều chủ đề. Trước hết là chủ đề Tình yêu đối với Paris, mà qua đó các tác giả người Pháp cũng như nước ngoài bày tỏ sự gắn bó của họ với thủ đô nước Pháp. Về điểm này, những ca khúc tiêu biểu vẫn là Tôi yêu Paris vào tháng Năm (J’aime Paris au mois de Mai) của Aznavour, ca khúc Tôi có hai mối tình, quê hương tôi và Paris của Joséphine Baker, hay là I Love Paris (Tôi yêu Paris) của tác giả người Mỹ Cole Porter. Chủ đề thứ hai là nỗi lưu luyến đối với một Paris đã đánh mất. Gương mặt chuyên hát chủ đề này là danh ca Edith Piaf. Điều này cũng tương đối dễ hiểu vì Piaf sinh trưởng ở khu phố nghèo Belleville, khởi nghiệp ca hát tại Pigalle rồi Montmartre.
Theo đà phát triển đô thị, các khu phố này đều đã ít nhiều thay đổi, và Piaf thường hay gợi lại qua các ca khúc, những kỷ niệm của Paris thời ấu thơ. Chủ đề thứ ba là những sinh hoạt đời thường tại Paris, mà qua đó ta thường bắt gặp những phong cảnh rất quen thuộc, từ chuyện dùng xe điện ngầm hay chạy xe đạp trong thành phố, bờ sông Seine với những chiếc cầu thơ mộng, các công viên và những quán càphê vỉa hè, các mái nhà thờ và phiên chợ buổi sáng … Và dĩ nhiên là trong những cảnh sinh hoạt ấy, có nhiều bài hát mô tả đời sống của những người sống ở Paris. Đó có thể là những bức chân dung rất thật của người dân Parisien, hoặc là qua thủ pháp khi thì ẩn dụ lúc thì nhân cách hóa, Paris được mô tả như một phụ nữ thường là nhí nhảnh và có duyên.
|
Từ những năm 1980 trở đi, thế hệ của các nghệ sĩ đi sau tiếp tục lấy cảm hứng từ Paris để soạn ca khúc. Nếu như vào những năm 1960, nhạc phẩm 5 giờ sáng Paris thức giấc (Il est cinq heures, Paris s’éveille) trở thành một bản nhạc kinh điển viết về Paris, thì vào đầu những năm 1990, Marc Lavoine chọn Paris làm tựa đề cho album thứ tư của mình. Cứ mỗi thập niên là có đến hàng chục bản nhạc, giúp cho thư mục về chủ đề này càng lúc càng dày đặc. Bà Emmanuelle Toulet nhận xét :
Trong số những nghệ sĩ đã góp phần khởi sắc phong trào viết ca khúc về Paris có thể kể đến các tên tuổi như Renaud với ca khúc Amoureux de Paname, chữ Paname là một từ tiếng lóng dùng để gọi Paris. Ngoài ra có các nhóm nhạc như Les Garçons Bouchers hay Pigalle cũng tái tạo khung cảnh của Paris trong một số bài hát của họ. Julien Clerc, Marc Lavoine, Pascal Obispo Etienne Daho hay Mathieu Chedid dùng thủ pháp hoán dụ, dùng một chi tiết nhỏ như khách sạn Caravelles, Đại lộ Capucines, trạm xe Châtelet Les Halles một góc chân cầu, hay bến sông Seine để nói về bối cảnh chung của Paris, và qua đó phản ánh nội tâm của một người đang thơ thẩn giữa lòng thủ đô.
Lối sáng tác của các tác giả sau này không giống như tác giả bậc thầy Bruant. Dòng nhạc hiện thực suy yếu từ giữa những năm 1960 trở đi để rồi nhường chỗ lại cho một phong cách sáng tác nhẹ nhàng lãng mạn hơn. Lối viết ca khúc những bài hát mà trong đó Paris là chủ đề trọng tâm hay được chọn làm bối cảnh, cho thấy là ở bất cứ thập niên nào, từ cuối thế kỷ thứ XIX cho đến đầu thế kỷ XXI, vẫn có các tác giả lấy cảm hứng từ Paris để đưa vào bài hát hay để viết thành nguyên một ca khúc. Rất có thể nó đã trở thành một truyền thống từ lúc nào không hay vì cũng như người Pháp thường nói ở Pháp mọi chuyện đều kết thúc bằng một bài hát.
No comments:
Post a Comment