Popular Posts

Monday, June 4, 2012

Kịch bản 75: Xin cùng nhau viết lại lịch sử

03/06/12 |

Kịch bản 75: Xin cùng nhau viết lại lịch sử

Đêm không ngủ:

Khi tiếng kêu tuyệt vọng của đại tá Vũ Thế Quang, tư lệnh phó sư đoàn 23 yêu cầu không quân dội bom trên đầu, thị xã Ban mê Thuột đang ở những giờ phút cuối.

Đó là đêm 13 tháng 3 năm 1975.

Sau khi đánh thăm dò lấy được Phước Long, tiếp theo trận chính thức mở màn hạ xong Ban Mê Thuột, từ cao nguyên Văn Tiến Dũng báo tin chiến thắng về Hà Nội. Lê Duẩn cho lệnh phát động chiến dịch Hồ chí Minh. Bắc quân mở 3 mặt trận tổng tấn công miền Nam. Từ Phước Long đánh xuống Sài Gòn. Từ Cao nguyên cắt ngang duyên hải và từ Hỏa tuyến đánh thẳng vào Thừa thiên.

Đó là đêm 13 tháng 3 năm 1975.

Tổng Thống Thiệu vẫn còn ngồi trên bàn viết ở cánh phải dinh Độc lập. Ông xem lại xấp hồ sơ của bộ tổng tham mưu trình bày về khả năng giữ đất theo mức quân viện do trung tướng Đồng Văn Khuyên trình lên đầu tháng 2. Tài liệu này ban tham mưu Mỹ và Việt ước tính với tình trạng viện trợ cắt giảm hiện nay thì sẽ phải bỏ gần hết lãnh thổ vùng I và II.

Hồ sơ màu đỏ của tướng Ted Serong đề nghị các cuộc triệt thoái chiến lược khẩn cấp. Tuy nhiên viên tướng Úc chuyên về nghiên cứu chiến trường ghi rõ kế hoạch của ông phải thi hành từ cuối năm 1974. Qua đến 1975 thì vô phương vì quá muộn. Trên bàn viết có những hàng chữ gạch xóa. Bỏ Pleiku, tái chiếm Ban Mê Thuột ? Bỏ Huế, giữ Huế? Đem dù về Sài Gòn. Bọn Mỹ phản bội. Từ chức hay ở lại?

Vị tổng thống miền Nam viết xuống những suy tư trong hoàn cảnh hết sức bối rối cô đơn. Đó là đêm 13 tháng 3 năm 1975

Quay qua xấp hồ sơ mầu xanh của bộ tổng tham mưu mới được đại tá Đỗ Đức Tâm trình hồi chiều. Tổng Thống Thiệu hờ hững cầm lên đọc đoạn mở đầu :

Kế Hoạch Diên Hồng 75

“Giải pháp sau cùng cho miền Nam ”. Chiến tranh nhân dân chống chiến tranh nhân dân. Đi vào chỗ chết để tìm đường sống.

Ông Thiệu sững sờ đọc đi đọc lại các tựa đề. Đây là văn tài liệu viết báo chứ đâu phải văn thư trình tổng thống. Không có gì chứng tỏ đại tướng Cao Văn Viên đã duyệt qua báo cáo này.

Ông bắt đầu giở từng trang. Toàn bộ kế hoạch do 5 đại tá của bộ Tổng tham mưu soạn thảo với các giải pháp hết sức quyết liệt để cứu miền Nam vào những giờ phút tuyệt vọng.

Ông Thiệu ngả người xuống ghế salon, và mở từng trang ra đọc. Đêm hôm đó ông hoàn toàn không ngủ.

Đó là đêm 13 tháng 3 năm 1975

Bình minh của tổng thống.

Sáng sớm ngày 14/3/75, vị tổng thống miền Nam mới chợp mắt trên ghế salon ngay trong văn phòng. Bà Thiệu từ trên lầu 3 phía hậu dinh đi xuống hai lần nhưng không dám làm ông thức giấc.

Khi những tia nắng sáng soi vào hành lang, tổng thống Thiệu tỉnh giấc, lập tức ra lệnh cho đại tá Võ Văn Cầm, chánh văn phòng hủy bỏ chuyến bay dự trù cho buổi họp tại Cam Ranh. Đại tá Cầm nhận lệnh tất tả về lại văn phòng kêu điện thoại. Buổi họp Cam Ranh dự trù có tướng Phú quân đoàn II, tướng Quang cố vấn an ninh, đại tướng Viên và thủ tướng Khiêm sẽ không thực hiện như đã dự trù.

Tổng thống quyết định chủ tọa một buổi họp khác tại bộ tổng tham mưu tổ chức cấp thời lúc 11 giờ trưa.

Hội nghị Diên Hồng của quân lực VNCH.

Ông điện thoại liên lạc thẳng cho tướng Trần Văn Hai, tư lệnh sư đoàn 7 tại căn cứ Đồng Tâm. Đại tá Trần Thanh Điền đứng bên nghe được những lời sau cùng tổng thống Thiệu nói với vị tướng sư đoàn 7 bộ binh.

“Tôi nhờ anh Điền đem bà xã và gia đình xuống Đồng Tâm.
Anh lo hộ cho gia đình tôi trú ngụ dưới đó. Sau cuộc chiến này tôi sẽ gặp lại”.

Đại tá Vũ Quang Chiêm, chánh võ phòng và đại tá Điền, trưởng khối cận vệ cùng nhìn nhau. Tiếng nói của tổng thống Thiệu nghe hơi lạ. Qua một đêm, ông Thiệu hình như trở thành người khác.

Ban hành thêm một số chỉ thị, ông cầm xấp hồ sơ bìa xanh của bộ tổng tham mưu đi lên lầu. Đại tá Võ văn Cầm bước theo, tay cầm giấy bút ghi lại các khẩu lệnh.

Tổng thống vừa đi vừa nói.

”Việc bàn giao giữa nội các của ông Khiêm và ông Cẩn cho làm gấp. Anh phụ nhà tôi kiếm một bộ quân phục với cấp bậc thời kỳ lãnh đạo quốc gia cho tôi. Xem chừng chật rồi.

Mời phó tổng thống, thủ tướng Khiêm và ông Nguyễn Bá Cẩn chiều nay họp với tôi trong bộ tổng tham mưu.

Tôi muốn tất cả các sĩ quan từ cấp đại tá trở lên họp mặt tại trại Trần Hưng Đạo trưa nay. Trình với đại tướng Viên thu xếp cho mọi người ăn trưa. Cơm tay cầm được rồi. Trung tướng Đồng Văn Khuyên chuẩn bị cho tôi tài liệu đầy đủ về tiếp vận. Nói với các tướng lãnh từ nay tuyệt đối không thông báo công việc và tin tức cho Hoa Kỳ.”

Đại tá Cầm bèn hỏi lại:

Như vậy sẽ phải tin cho đại tướng tổng tham mưu trưởng…

Dừng lại ở cửa phòng, ông Thiệu nói chậm rãi:

Không, từ nay tôi sẽ kiêm tổng tham mưu trưởng, đại tướng Viên sẽ là cố vấn cho tôi. Tôi sẽ làm việc bên bộ tổng tham mưu.
Tôi giao cho các anh giữ dinh Độc Lập với cụ Hương. Đánh xong trận này tôi sẽ trở lại.”

Quả thực cũng như ông Điền và ông Chiêm, đại tá Cầm sững sờ khi thấy ông Thiệu trở thành một người khác

Phiên họp lịch sử.

Lần đầu tiên cờ 3 sao của trung tướng Nguyễn văn Thiệu bay trở lại trên tòa lầu chính. Từ nhiều năm qua cờ 4 sao của đại tướng Viên đã không được treo theo lệnh của chính vị tổng tham mưu trưởng.

Câu lạc bộ sĩ quan trở thành nơi họp đại hội đồng quân lực gồm tất cả các đại tá và tướng lãnh tại bộ tổng tham mưu. Hơn một trung đội quân cảnh được huy động gác vòng trong vòng ngoài.

Một trăm ổ bánh mì Bưu điện đặt trên bàn nhưng dường như không ai đụng đến.

Ngồi sau một bàn nhỏ đơn độc từ phía trên ngó xuống, trung tướng Thiệu mặc quân phục 3 sao bắt đầu bằng giọng bình dân cố hữu nhưng có phần xúc động.

“Cố vấn Mỹ bảo tôi bỏ đất. Cố vấn Úc cũng bảo tôi bỏ đất. Pháp bảo tôi hòa giải với cộng sản. Hoa Kỳ bảo tôi phải ra đi. Chính khách Saigon đề nghị lập chính phủ liên hiệp. Cộng sản bảo rằng không nói chuyện với Thiệu. Cũng không liên hiệp với cụ Hương.

Nixon không còn nữa, Ford không phải là tổng thống do dân bầu nên không quyết định. Hoa Kỳ đã dứt khoát quay lưng lại Việt Nam.

Tất cả đều nói là Thiệu cản trở hòa bình. Thiệu phải ra đi.

Đêm hôm qua tôi đã chuẩn bị đi Cam Ranh để ban hành lệnh tái phối trí rất quan trọng. Nhưng nay tôi quyết định ở lại.

Không phải chỉ là không đi Cam Ranh. Tôi sẽ không đi đâu cả. Tôi quyết định ở lại và sống chết với anh em.

Vừa nói đến đây, ông Thiệu nghẹn lời và cả hội trường bừng lên tiếng vỗ tay vang dậy.

Chờ cho cơn xúc động chấm dứt. ông Thiệu nói tiếp.

-“Tôi sẽ không từ chức. Từ nay, tôi sẽ là tổng tư lệnh kiêm tổng tham mưu trưởng bộ tổng tham mưu. Khi tôi nói chuyện với các anh ở đây thì nhà tôi và các cháu đã về quê Mỹ Tho. Với tính bông đùa cố hữu, ông Thiệu nói. Mỹ Tho chứ không phải là Mỹ quốc.”

Ông cao giọng:.

Sẽ không có thằng Tây thằng Mỹ nào đuổi tôi đi đâu được. Bởi vì sau tôi sẽ không còn gì cả. Sau tôi chỉ còn cộng sản.”

Tiếng vỗ tay lại một lần nữa nổi lên cùng với sự hân hoan hiện trên mặt các sĩ quan của bộ tổng tham mưu hiện diện.

Tổng thống nói tiếp:

Người ta nói với tôi là quân viện không có, lòng người không có, bây giờ tiếp tục đánh thì đánh bằng cái gì. Tôi trả lời ngay cho các anh hôm nay. Lòng người không có thì làm cho có. Cháo nguội thì hâm lên cho nóng. Còn phương tiện không có thì,

Nói đến đây ông nhấn mạnh từng chữ một:

“Đánh bằng cùi chỏ.”

Vừa nói ông vừa đưa khuỷu tay lên.

Lại một lần nữa, chữ nghĩa và hành động của ông tạo xúc động lớn lao cho cử tọa.

Tiếng vỗ tay cuồng nhiệt kéo dài…

Khi mọi người dịu xuống, ông nói vào vấn đề:

-“Như các anh đã biết, chúng ta đã xây dựng miền Nam qua 20 năm, có trật tự thanh bình và tự do dân chủ. Suốt cuộc đời binh nghiệp tôi không hại ai. Suốt cuộc đời chính trị tôi không giết ai. Anh em sĩ quan cao cấp chúng ta, ai cũng đã có thời trách nhiệm lãnh đạo chỉ huy, bây giờ là lúc sống chết. Bây giờ không phải là lúc tham quyền cố vị mà ở lại. Muốn có hòa bình, muốn có thương thuyết, muốn có hòa giải phải ở vào thế mạnh. Đêm hôm qua tôi đã đọc hết tài liệu đề nghị của các anh em đại tá tại bộ tổng tham mưu. Các anh đưa cho đại tá Đỗ ĐứcTâm trình tôi. Sáng nay tôi hỏi lại thì đại tướng tổng tham mưu trưởng cũng không biết. Nhưng không hề chi. Tôi chấp thuận kế hoạch này. Tôi đồng ý đây là giải pháp cuối cùng. Lấy chiến tranh nhân dân để chống lại chiến tranh nhân dân. Kể từ giờ phút này anh em chiến hữu ngồi với tôi hôm nay là thành viên của hội nghị Diên Hồng. Các anh cũng là thành viên của hội đồng an ninh quốc gia mở rộng.

Tôi quyết định ban hành lệnh tổng động viên toàn miền Nam theo kế hoạch Diên Hồng 75. Từ nay không phải chỉ có thanh niên đi lính mà là toàn dân đánh giặc.

Không cắt đất, không bỏ dân, không rút quân, không tái phối trí. Ở đâu ở đó. Sức yếu thì co cụm lại. Còn sức thì bung ra. Địch pháo thì đào hầm mà chui xuống. Hết pháo thì chui lên mà đánh.

Nội chiều nay, tôi sẽ họp nội các chiến tranh với cụ Hương và các tướng lãnh. Sẽ công bố việc bổ nhiệm nhân sự cho các quân khu, các quân đoàn, các sư đoàn, các tiểu khu và các đô thị.

Với chủ trương toàn dân đánh giặc thì các trường trung học và đại học sẽ trở thành các trại binh. Sẽ không học hành gì từ nay cho đến hết năm 1975. Hai mươi năm qua chúng ta vừa chiến đấu vừa xây dựng. Chiến tranh có hậu phương có tiền tuyến. Có dân sự có quân sự. Nhưng bây giờ sẽ chỉ có chiến đấu mà tạm gác phần xây dựng. Sẽ chỉ có tiền tuyến mà không có hậu phương. Sẽ chỉ có quân sự mà không còn dân sự.

Ông kết luận:

“Tôi nghĩ rằng các anh đã hiểu được ý của tôi cũng như tôi đã hiểu được đề nghị của các anh gởi đến cho tôi đọc đêm hôm qua. Xin nói thêm rằng, sau trận này, tương lai đất nước nằm trong tay các anh, những sĩ quan trẻ của quân đội.

Bây giờ các anh về suy nghĩ xem mỗi người phải làm gì. Phải làm ngay lập tức. Cộng sản đã giữ thế chủ động từ 1968 qua 1972 cho đến nay trên chiến trường và trên bàn hội nghị. Bây giờ chủ động phải là phần của chúng ta. Dù phải chết, chúng ta cũng sẽ chủ động chọn cho mình cái chết xứng đáng. Tôi cho ban hành ngay toàn bộ kế hoạch Diên Hồng 75 từ giờ phút này…

Hội nghị giải tán, rải rác đó đây trên mặt bàn còn lại những khúc bánh mỳ Bưu điện. Ông Thiệu cầm phần bánh mỳ nói với sĩ quan tùy viên cho vào cặp sách. “Lát nữa ăn”

Nội các chiến tranh:

Buổi họp của nội các chiến tranh 75 bao gồm cả 2 vị thủ tướng cũ và mới. Đại tướng Trần thiện Khiêm và ông chủ tịch hạ viện Nguyễn Bá Cẩn. Các vị tân bộ trưởng gồm đủ mặt, các bộ trưởng cũ hiện diện được hơn phân nửa. Ông Thiệu lại nhắc qua về nội dung hội nghị Diên Hồng buổi trưa và vận động mọi thành viên tích cực trong giai đoạn cam go nhất của đất nước. Như đã chuẩn bị trước, ông trao tặng cho các vị dân sự mỗi người một nón sắt nhà binh và một xẻng gấp cá nhân. Ông nói mỉa mai rằng đây là món quà cuối cùng của Mỹ giúp Việt Nam chiến đấu.

Sau đó các vị bộ trưởng và chuyên viên ra về, thành phần chính phủ thu hẹp được ngồi lại nghe tổng thống Thiệu ban hành các chỉ thị cụ thể. Trong các bộ trưởng, ông mời riêng luật sư Vương Văn Bắc ngồi lại.

Với tình thế biến chuyển và nhận thấy tổng thống Thiệu dường như trở thành con người khác với một quyết tâm hết sức mãnh liệt, các vị trong nội các và tướng lãnh hết sức ngạc nhiên. Tuy nhiên gần như không ai đóng góp ý kiến hay đặt câu hỏi, trừ phó tổng thống Trần Văn Hương. Ông Thiệu cho biết, từ nay ông sẽ đặt văn phòng tại bộ tổng tham mưu làm việc trực tiếp với các tư lệnh quân khu. Ông đặt 2 vị tướng cao cấp trong chức vụ cố vấn. Đại tướng Viên cố vấn quân sự và đại tướng Khiêm cố vấn nội vụ.

Ông cho biết là ngay buổi chiều, sau hội nghị Diên Hồng tại câu lạc bộ tổng tham mưu, ông đã điện thoại ra lệnh bổ nhiệm các chức vụ tư lệnh quân đoàn kể từ ngày 15-3-1975. Tổ chức miền Nam thành các quân khu độc lập trong cuộc chiến phòng thủ diện địa. Vùng 4 chia làm 2 quân khu. Tiền Giang và Hậu Giang.

Tướng Lê Văn Hưng phó của ông Nam lên làm tư lệnh quân khu Hậu Giang. Chủ lực là sư đoàn 21, trang bị để thành lập thêm một sư đoàn biệt động quân và một sư đoàn Bảo An Hòa Hảo.

Tướng Trần văn Hai, tư lệnh quân khu Tiền Giang với sư đoàn 7 bộ binh và thêm một sư đoàn biệt động quân tân lập.

Tướng Nguyễn Khoa Nam ra thay tướng Ngô Quang Trưởng tại quân khu I. Tổng thống nói thêm: “Anh Thọ phòng 3 TTM nghiên cứu ngay cho tôi xem có cần chia miền Trung ra 2 khu vực phòng thủ Bắc và Nam Hải Vân? Ngay bây giờ thì ông Nam vẫn trách nhiệm toàn thể miền Trung. Vùng II cũng chia làm đôi. Tướng Nguyễn Văn Toàn từ Biên Hòa trở lại thay thế tướng Phú trên quân khu Cao nguyên. Phần đất của quân khu Duyên hải sẽ có vị tư lệnh mới là tướng Hoàng cơ Minh.Còn vùng III giao cho tư lệnh phó là tướng Nguyễn Văn Hiếu. Phó tổng thống Trần Văn Hương hết sức hài lòng với việc bổ nhiệm vị tướng lãnh thân thiết của ông vào chức vụ tư lệnh quân khu miền Đông. Nhưng cụ vẫn thắc mắc về việc tiếp tục xử dụng tướng Toàn. Ông Thiệu cho biết ông Toàn là người đã từng ở Pleiku và bây giờ tình nguyện trở lại.

Tình thế hiện nay gần như không có vị tướng nào có khả năng mà lại tình nguyện lên cao nguyên. Qua điện thoại tướng Toàn có hỏi ông Thiệu là được đem theo những ai, sẽ được yểm trợ gì khi lên vùng II. Tổng thống trả lời là anh đem theo một cỗ quan tài và anh sẽ chết ở Pleiku. Tướng Toàn hiểu ý và đáp ngay bằng tiếng Pháp:

A vos ordres Monsieur le President, (Xin tuân lệnh ngài tổng thống).

Với tướng Nguyễn Khoa Nam, tổng thống Thiệu nói riêng: “Anh sẽ thường trực tại Huế và trấn giữ đèo Hải Vân”.

Tướng Nam thưa rằng: Tôi hiểu ý tổng thống. Huế là quê hương của tôi.

Ông Thiệu tiếp lời, Tôi sẽ rút toàn bộ nhẩy dù về Saigon. Anh phải dùng tất cả 3 sư đoàn 1,2 và 3 cho mặt trận Quảng Trị. Tái tổ chức địa phương quân, nghĩa quân cho các tỉnh duyên hải. Thành lập một sư đoàn biệt động quân phòng thủ Đà Nẵng.Với tổng kho Đà Nẵng, toàn thể quân dân miền Trung sẽ trở thành một quốc gia biệt lập. Anh sẽ không trông cậy gì ở Saigon. Nam hiểu không? Sẽ không có chuyện di tản. Có thể hy sinh một vài thị trấn phía nam Đà Nẵng nhưng phải giữ Huế bằng mọi giá. Lập một danh sách những người lần lượt thay thế khi Nam nằm xuống. Tôi sẽ chỉ thị cho tư lệnh hải quân tăng cường tối đa cho đề đốc Hồ Văn kỳ Thoại hải pháo bờ biển Quảng Bình rồi dùng toàn thể sư đoàn thủy quân lục chiến tấn công cửa Việt để giải tỏa áp lực phía Bắc.

Tướng Nguyễn Khoa Nam vô cùng xúc động trả lời: Em xin hết sức, thưa đại ca. Đây là ngôn ngữ ông Nam thường dùng để nói với Tổng thống.

Nghe xong chuyện điện thoại do ông Thiệu kể lại, cụ Hương hỏi thêm về chức vụ tư lệnh Biệt khu Thủ đô. Tổng thống cho biết tướng Lê nguyên Vỹ tân tư lệnh từ Lai Khê bay về đang đi thanh sát vòng đai phòng thủ Sài Gòn. Sư đoàn 5 bộ binh giao cho đại tá Hồ ngọc Cẩn cùng với sư đoàn biệt đông quân mới thành lập sẽ chuẩn bị đánh Lộc Ninh. Quận lỵ này đang được coi là thủ đô của Việt cộng miền Nam.

Tân thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn cho biết nội các của ông còn thiếu nhiều nhân sự. Với hoàn cảnh hiện nay nhiều chuyên gia và nhân sĩ ngần ngại tham chính.

Tổng thống Thiệu nói rằng: “Hiện có nhiều trung tướng và thiếu tướng rất có khả năng nhưng chưa có chức vụ. Sau khi đưa một loạt tướng trẻ ra cầm quân, các tướng lãnh thâm niên có thể tạm thời qua làm việc với tân nội các, ít nhất là trong năm nay”.

Quay sang ông Cẩn, tổng thống nói tiếp: “Anh về thuyết trình cho quốc hội vận động tất cả nghị sĩ và dân biểu đưa vợ con về đơn vị gốc để cùng sống chết với cử tri. Sau đó anh cho các vị bộ trưởng và chuyên viên nghiên cứu để làm sao cho toàn thể xã hội có cuôc sống thích ứng với hoàn cảnh chiến tranh. Kể từ ngày 15/3/1975 lệnh giới nghiêm ban hành trên toàn thể miền Nam. Các trường học tráng niên đóng cửa. Quân sự hóa toàn quốc. Các xe tư nhân cấm lưu thông, các xe hàng trưng dụng để chở quân và dành cho các chương trình huấn luyện. Bộ tổng tham mưu tăng cường cho TQLC và nhẩy dù mỗi sư đoàn thêm một lữ đoàn tân lập. Thành lập 6 sư đoàn Biệt động quân cho các quân khu và Biệt khu Thủ đô. Dùng các tiểu đoàn và liên đoàn biệt động quân làm nòng cốt. Trang bị lại cho 1 sư đoàn Hòa Hảo và một sư đoàn Cao Đài bằng tất cả vũ khí hiện có”.

Tướng Nguyễn Khắc Bình được lệnh thành lập tại mỗi tỉnh một lữ đoàn cảnh sát và cũng như vậy tại các quận đô thành. Ông Bình báo cáo là toàn quốc hiện có 130,000 cảnh sát sẵn sàng chiếu đấu. Tổng thống nói tiếp. Đoàn ngũ hóa là ưu tiên khẩn cấp. Quân huấn tổ chức chương trình huấn luyện căn bản quân sự một tuần. Ba bài học chính, nghe lệnh, đào hầm và cận chiến. Thực tập tác chiến trong thành phố. Sau đó cho ra trận, vừa đánh vừa học.Trang bị nhẹ cho nhân dân tự vệ trong giai đoạn đầu. Tổ tam tam chế. Hai súng một dao. Hay hai dao một súng. Một người ngã xuống, súng vào tay người còn lại. Đưa tất cả các sinh viên sỹ quan về nguyên quán chỉ huy nhân dân tự vệ. Phụ nữ độc thân hay không có con nhỏ cũng đoàn ngũ hoá. Mở thật rộng vòng đai bảo vệ thủ đô.

Bộ ngoại giao được lệnh loan báo cho các ngoại giao đoàn và công ty ngoại quốc tuyệt đối không được rời khỏi Việt Nam sau ngày 1/4/1975. Chỉ dành 15 ngày cuối trong tháng 3 để di tản người ngoại quốc. Sau đó hải cảng và phi cảng sẽ đóng lại. Chỉ có cửa đến mà không có lối đi.

Luật sư Bắc cho lệnh các tòa đại sứ vận động toàn thế giới tự do lên tiếng và yểm trợ cho Việt Nam. Vận động nhận lính tình nguyện, nhận viện trợ dầu xăng. Yêu cầu thế giới tự do áp lực Trung Cộng. Riêng ông bộ trưởng, tôi muốn ông công khai loan báo tìm đường để Việt Nam Cộng Hòa mật đàm với Anh, Pháp, Trung Cộng và Nga Sô. Thu xếp họp song phương. Nói chuyện riêng với từng nước.

Danh sách cộng sản nằm vùng tại Saigon đã có sẵn. Tổng giám đốc công an Saigon sẽ hành quân cảnh sát trong đêm 15/3/75 đem nhốt chung vào khu phái đoàn cộng sản trong Tân sơn nhất cùng với ủy hội quốc tế.

Tổng thống ra lệnh rõ ràng cho tướng Nguyễn Khắc Bình: Anh nói với tòa đại sứ Mỹ trong một tuẩn lễ phải đưa cộng sản, thân cộng và ủy hội quốc tế ra khỏi miền Nam. Muốn đem đi đâu thì đem.

Tướng Bình dè dặt hỏi lại: Nếu Mỹ không làm được thì sao. Còn dư luận quốc tế.

Ông Thiệu đáp ngay: Cho công binh gài mìn chung quanh. Đúng một tuần không chở đi thì cho nổ luôn. Chắc chắn nó sẽ chở đi. Anh muốn không phải nổ mìn thì ngày mai anh cắt điện, cắt nước, không tiếp tế thực phẩm. Ba ngày là Mỹ phải đem C130 chở đi hết.

Còn quốc tế không cần lo. Mình chết quốc tế có quan tâm không. Mình đánh quyết tử còn cần gì dư luận quốc tế.

Quay lại phía các vị đại tá của phủ tổng thống Võ văn Cầm, Vũ Quang Chiêm, Trần Thanh Điền, Đỗ đức Tâm, tổng thống nói thêm. Từ nay tôi tuyệt đối không tiếp xúc, không liên lạc với Hoa Kỳ. Về ngoại giao tòa đại sứ gặp ngoại trưởng Vương văn Bắc, về tiếp vận quân sự gặp trung tướng Đồng Văn Khuyên. Các chính khách, các vị lãnh đạo tôn giáo nếu cần thì gặp thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn.

Khi thấy tướng Khuyên đứng lên nhận chỉ thị, Tổng thống Thiệu nói tiếp, ông tiếp vận lấy hết sáng kiến để giúp cho đất nước tiếp tục đánh giặc bằng cùi chỏ. Bảo vệ tổng kho Long Bình, kho đạn thành Tuy Hạ, kho xăng Nhà bè. Ông làm sao tất cả xe phải chạy được, thiết giáp phải lăn bánh, tàu bay phải bay. Cho hoạt động công khai dự án công binh xưởng lâu nay vẫn dấu Mỹ. Ưu tiên đạn M16, lựu đạn, xẻng cuốc và dao đánh cận chiến. Tập trung tất cả thợ máy dân sự, thợ hàn, thợ tiện để chắp vá cho mọi thứ chạy việc. Ông có toàn thể khối chuyên viên dân sự đưa vào làm việc. Chỉ cần đào hầm chạy pháo, khi nó đến gần thì chui lên dùng dao bếp mà chiến đấu.

****

Sau đó trong 45 ngày liên tiếp từ 15 tháng 3 đến 30 tháng 4-75, cuộc chiến khốc liệt đã xẩy ra trên toàn thể miền Nam.

Với 3 sư đoàn cơ hữu, sư đoàn 1, 2 và sư đoàn 3 tướng Nguyễn khoa Nam chặn địch tại phòng tuyến sông Thạch Hãn, Quảng Trị. Tổn thất hết sức cao.

Sư đoàn thủy quân lục chiến đổ bộ vào cửa Việt đánh bọc hậu 2 sư đoàn cộng sản gây bất ngờ cho Hà Nội, nhưng bên ta bị tổn thất nặng nề. Chỉ một nửa quân số lính mũ xanh mở đường máu, trở về được bên này phòng tuyến. Hà Nội phải mở chiến dịch phòng vệ toàn bộ duyên hải miền Bắc và đồng thời hết sức lo lắng vì Trung Cộng đề nghị đem chí nguyện quân vào tiếp tay. Tàu vào được sẽ trở thành chủ động trong chiến tranh Việt Nam. Cho đến cuối tháng 4, hồng quân Trung Hoa vẫn còn trấn đóng 2 quân đoàn ở biên giới.

Trong suốt một tháng rưỡi làm tư lệnh quân đoàn 1, tướng Nguyễn Khoa Nam chưa bước chân vào Đà Nẳng. Ông ở lại với bộ tư lệnh tiền phương tại Huế và luôn luôn có mặt tại tuyến đầu Quảng Trị. Đà Nẵng và các thành phố xứ Quảng toàn thể quân dân được lệnh tử thủ, ở đâu sống chết tại chỗ.

Tại quân đoàn II mặt trận cao nguyên bị nhiều tổn thất. Kon Tum bị tràn ngập. Quảng Đức hoàn toàn thất thủ sau những trận đẫm máu.Tất cả các tiểu khu và các đơn vị đều hy sinh từ tỉnh trưởng đến các binh sĩ. Tướng Toàn nằm dưới căn hầm hết sức kiên cố trong suốt tháng tư đã làm cho Pleiku trở thành một An Lộc của năm 75. Chịu đựng có khi lên đến 5000 quả pháo một ngày, nhưng đến 30 tháng 4 vẫn còn liên lạc được với Saigon. Tướng Hoàng Cơ Minh tân tư lệnh ngày đêm hoạt động trên mặt trận duyên hải. Đón quân tại đây rồi lại đổ quân tại chỗ khác. Tưởng mất Quy Nhơn rồi lại lấy lại được. Nha Trang cũng cùng chung số phận. Lúc mất lúc còn.

Trên cao nguyên sau hai tuần lễ chưa dứt điểm Pleiku, cộng sản quyết định tiếp tục bao vây quân đoàn II nhưng đem đại quân đánh thẳng xuống duyên hải. Saigon đưa toàn bộ sư đoàn Dù mở mặt trận Khánh Dương chặn đứng địch quân. Toàn bộ không quân chiến thuật miền Nam tập trung tại Cam Ranh giúp cho nhẩy dù phá tan 2 sư đoàn của địch tại đây.

Tại miền Nam, Tướng Lê văn Hưng tân tư lệnh quân khu Hậu Giang tuyên bố dùng toàn dân quân giữ vững miền Tây. Ông sẽ chỉ giữ lại sư đoàn 21 trải dài từ Cần Thơ đến Cà Mâu. Tướng Hưng rất vui mừng có được sư đoàn Hòa Hảo và sư đoàn Biệt động quân tân lập. Nếu Hậu Giang ổn định, sẽ chuẩn bị để đưa sư đoàn 21 lên tăng cường cho miền Đông.

Lệnh xuất quân tại Mỹ Tho tiễn đưa sư đoàn 9 lên đường đánh giặc tại miền Đông. Để trắc nghiệm khả năng cho cuộc chiến mới, mỗi trung đoàn có một tiểu đoàn trang bị nhẹ hoàn toàn đi bộ. Phần còn lại đi bằng xe đò dân sự. Dân Sài Gòn đứng hai bên đường đón đoàn quân của tướng Hoàng văn Lạc.

Tại Tiền Giang tướng Trần văn Hai, tân tư lệnh quân khu đang cố gắng tấn công khu Mỏ Vẹt trên đất Miên đã bị chiếm đóng bởi Việt cộng từ nhiều năm. Với lực lượng sư đoàn 7 và sư đoàn biệt động quân tân lập, trận đánh vô cùng khốc liệt đã kéo dài 2 tuần lễ.

Tại mặt trận miền Đông lần đầu tiên tướng Nguyễn Văn Hiếu chỉ huy một lượt 6 sư đoàn bộ binh bao gồm sư đoàn 5, sư đoàn 18 và 25, tăng cường sư đoàn 9, Có thêm sư đoàn biệt động quân và sư đoàn Cao Đài. Với lực lượng của 2 quân đoàn, vị tư lệnh trẻ trung và mới mẻ của quân đội đã đẩy lui địch tại phòng tuyến Long Khánh. Tân tư lệnh sư đoàn 5, đại tá Hồ Ngọc Cẩn đã bao vây Lộc Ninh nhưng chưa dứt điểm. Quân số miền đông tổn thất hết sức cao. Từ 15 ngàn ngôi mộ chiếm 1/3 diện tích nghĩa trang quân đội Biên Hòa vào cuối th áng 4-75, con số tử sĩ tại đây đã lên đến trên 30,000 người. Đó là chưa kể đến tử sĩ tại miền Trung và cao nguyên mai táng tại chỗ.

Phía cộng sản chết trên 3 mặt trận lên đến trên 100,000 chiến binh. Vì bị chặn đứng từ xa nên pháo binh cộng sản không tiến được về gần thủ đô như đã chuẩn bị. Tuy nhiên suốt 45 ngày sau cùng, Saigon đã đào xong hơn 100 ngàn hầm trú ẩn và đã nhận hơn 10,000 trái hỏa tiễn. Mặc dù cộng quân không thực hiện được toàn bộ trận địa pháo như đã dự trù, nhưng hơn 10,000 dân thủ đô đã tử nạn và hàng chục ngàn người bị thương. Giữa tháng tư Cộng quân cũng cố gắng đưa vào thủ đô 2 trung đoàn đặc công phân tán trong vùng Chợ Lớn và tây bắc Sài Gòn. Các đơn vị cảnh sát và nhân dân tự vệ lần lượt thanh toán chiến trường mà không cần nhờ đến bộ binh và phi pháo. Vì được lệnh không di tản, hai triệu dân Sài Gòn chiến đấu ngay tại nhà nên phần lớn lính cộng sản lạc đường đều bị bà con thanh toán hay bắt sống.

Đoàn quân báo chí toàn thế giới tràn ngập Saigon kể từ khi cầu không phận Hoa Kỳ thành lập vào ngày 20 tháng 3-75 để đưa phái đoàn cộng sản, thân cộng, uỷ hội quốc tế sang Thái Lan. Mặc dù có lệnh chỉ dành ra một thời gian để di tản nhưng không hề có tòa lãnh sự nào, không hề có một công ty hay tổ chức ngoại quốc nào tìm cách chạy khỏi Saigon. Trong 45 ngày miền Nam chống Bắc quân, đã có hơn 5,000 cựu chiến binh khắp thế giới tình nguyện đến Việt Nam chiến đấu. Đa số là cựu cố vấn Hoa Kỳ. Đài Loan và Nam Hàn cuối tháng tư mới xin gửi đến mỗi nơi một tiểu đoàn danh dự tham chiến. Cũng như đa số tòa đại sứ tây phương, đại sứ Mỹ quyết định ở lại mặc dù bộ trưởng ngoại giao Kissinger ra lệnh di tản. Đã có nhiều cuộc biểu tình chống Mỹ tại Sài Gòn nhưng chính phủ sớm dập tắt. Đệ thất hạm đội Hoa Kỳ được lệnh trở lại biển Đông. Báo chí loan tin tức về các cuộc mật đàm song phương giữa VNCH và Nga sô, giữa VNCH và Trung Cộng. Lại thêm các lần gặp gỡ với Anh và Pháp đã làm cho Việt Cộng vô cùng bối rối. Dư luận thế giới vốn mang nặng ảnh hưởng của phe phản chiến dần dần nhìn ra cuộc chiến chống xâm lược cộng sản của miền Nam trong hoàn cảnh tuyệt vọng.

Gió đã có vẻ đổi chiều.

Đại sứ Mỹ cho biết hội đồng an ninh quốc gia Hoa Kỳ đang họp để duyệt lại vấn đề Việt Nam. Sau những hy sinh lớn lao của Hoa Kỳ suốt 10 năm, cuối cùng quyết định bỏ rơi nhưng miền Nam đứng vững được trong tuyệt vọng. Tình thế sẽ trở thành thảm kịch cho danh dự Mỹ quốc.

Ngày 30 tháng 4-1975 tại Hà Nội, sau khi trung ương đảng họp hai ngày tổng kết tình hình, tổng bí thư Lê Duẩn tuyên bố: Chiến dịch Hồ chí Minh tạm thời chấm dứt giai đoạn I với thành quả giai đoạn đầu.Sẽ chuyển qua giai đoạn II trong một tương lai rất gần. Hà Nội sẽ thống nhất đất nước vào năm 1976.

Sau đó các lực lượng cộng sản lặng lẽ rút lui khỏi mặt trận cũng bất ngờ như khi khởi sự tấn công.

Trong bữa tiệc khao quân tại dinh Độc Lập ngày 30 tháng 4-75 ông Thiệu khoe rằng Việt Nam Cộng Hòa đã đánh giặc bằng cùi chỏ, nhưng chỉ mới dùng một bên cùi chỏ. Báo chí Hoa Kỳ yêu cầu được phỏng vấn, tổng thống và các tư lệnh vùng đều từ chối và nói rằng: “Rất tiếc, chúng tôi không nói được tiếng Anh”.

Việt Nam Cộng Hòa không có ngày quốc hận.

Giao Chỉ, San Jose. (tháng tư 2012.)

 

 

 

 

 dangnguoivietyeunguoiviet.org

No comments:

Post a Comment

Featured Post

NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng.

  NHỮNG KHÔI HÀI VỀ . . . Chữ Nghĩa Việt Cộng. 1. - Ai cũng biết VC là vua chơi chữ, lúc chúng ...

Popular Posts

Popular Posts

Popular Posts

My Blog List