HOA KỲ - BIỂN ĐÔNG -
Bài đăng : Thứ hai 04 Tháng Sáu 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 04 Tháng Sáu 2012
Thăm Việt Nam, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ muốn gửi một thông điệp đến Trung Quốc
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nói chuyện với các thành viên thủy thủ đoàn, khi đi thăm tàu Richard E. Byrd tại vịnh Cam Ranh, 03/06/2012.
REUTERS/Jim Watson/Pool
Đức Tâm RFI
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta đã khai thác chuyến công du Việt Nam để đưa ra một thông điệp rõ ràng là Washington có ý định hỗ trợ các đồng minh trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương phát triển và bảo vệ quyền tự do thông thương hàng hải ở Biển Đông, nơi mà Trung Quốc khẳng định một cách quyết đoán là có chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng biển này.
Tới thăm cảng Cam Ranh, ngày hôm qua 03/06/2012 và nói chuyện với các thủy thủ và nhà báo trên tàu vận tải USNS Richard E.Byrd đang thả neo tại đây, ông Panetta nhấn mạnh, chiến lược mới mà Washington triển khai bao gồm một số yếu tố chính sẽ được thử nghiệm tại vùng châu Á -Thái Bình Dương. Theo hướng này, việc các tàu của Mỹ có thể tiếp cận quân cảng Cam Ranh là một yếu tố chủ chốt trong mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Panetta còn tuyên bố: Căn cứ này « sẽ đặc biệt quan trọng để có thể làm việc với các đối tác như Việt Nam, để có thể sử dụng các cảng như cảng này, vào lúc chúng ta đang tái triển khai các tàu chiến ở các cảng phía tây, trong vùng Thái Bình Dương ».
Cho đến nay, các tàu chiến của Mỹ chưa được vào cảng Cam Ranh và Việt Nam chỉ chấp nhận đón các tàu phi tác chiến hoặc tàu vận tải. Tàu Byrd hoạt động theo sự điều động của Bộ Chỉ huy Hải quân Mỹ, với đa số nhân viên là dân sự. Nhiệm vụ của tàu là tiếp tế hậu cần cho lực lượng quân sự Mỹ ở khắp nơi trên thế giới. Trong khi đó, các tàu chiến của Mỹ đã nhiều lần tới thăm các hải cảng khác của Việt Nam như Đà Nẵng.
Khi gợi ý là trong tương lai, Hoa Kỳ muốn đưa nhiều tàu hơn tới cảng Cam Ranh, bộ trưởng Panetta cũng như các quan chức quốc phòng cao cấp khác của Mỹ không cho biết rõ là các đề nghị này sẽ được đề cập đến trong cuộc gặp với giới lãnh đạo Việt Nam ra sao.
Bộ trưởng Mỹ tới Việt Nam, sau khi tham dự Đối thoại Shangri-La, ở Singapore, bàn về an ninh khu vực. Tại đây, ông Panetta đã gặp lãnh đạo nhiều nước đồng minh trong vùng và kêu gọi các nước châu Á xây dựng một bộ luật ứng xử, bao gồm cả các quy định liên quan đến các quyền hàng hải và lưu thông ở Biển Đông.
Nhân dịp này, lãnh đạo bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã thông báo kế hoạch tái triển khai lực lượng hải quân nhằm tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở châu Á -Thái Bình Dương, đẩy mạnh quan hệ đối tác quân sự với các nước trong vùng. Từ nay đến năm 2020, hải quân Mỹ sẽ bố trí 60% lực lượng của mình ở Thái Bình Dương và 40% ở Đại Tây Dương, thay vì tỷ lệ 50%-50% như hiện nay. Việc dồn lực lượng qua Thái Bình Dương liên quan đến cả 6 hàng không mẫu hạm và đa số các chiến hạm Hoa Kỳ.
Khi đưa ra các tuyên bố như trên tại Singapore, ông Panetta đã bác bỏ mọi chỉ trích liên quan đến việc Mỹ chuyển hướng chiến lược quân sự. Tuy nhiên, theo AP, các quan chức Hoa Kỳ tỏ ra thận trọng trước việc Trung Quốc không ngừng phát triển bộ máy quân sự và mở rộng quan hệ thương mại với các nước trong vùng.
Tới thăm cảng Cam Ranh, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ không hề nhắc tới Trung Quốc khi ông nói chuyện với các thủy thủ cũng như với các nhà báo trên tàu vận tải Byrd. Thế nhưng, việc lãnh đạo bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra các phát biểu như trên ở một quân cảng cũ có vị trí chiến lược để kiểm soát Biển Đông, cho thấy là Hoa Kỳ tìm cách triển khai một lực lượng quân sự hùng hậu trong vùng này nhằm hai mục tiêu: Giúp các đồng minh tự bảo vệ trước sự lớn mạnh đáng lo ngại của Trung Quốc. Mặt khác, Washington cũng muốn bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông, mà theo như tuyên bố của Ngoại trưởng Hillary Clinton thì các quyền này thuộc « lợi ích quốc gia » của Hoa Kỳ.
Hôm nay, Bắc Kinh đã lên tiếng cho rằng quyết định tái bố trí lực lượng của Mỹ, chú ý hơn đến châu Á -Thái Bình Dương là « không hợp thời » và hy vọng là Washington « sẽ tôn trọng các lợi ích và các mối quan tâm của tất cả các bên, kể cả Trung Quốc, ở châu Á -Thái Bình Dương ».
No comments:
Post a Comment